MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động lên phương án đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá hàng hóa dịp cận Tết. Ảnh minh họa: Anh Tuấn

Hà Nội đảm bảo nguồn cung, không để loạn giá hàng hóa dịp cận Tết

Thu Giang LDO | 08/02/2024 05:30

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động lên phương án đảm bảo nguồn cung, bình ổn hàng hóa dịp cận Tết khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến.

Ông Đào Quang Vinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm, doanh nghiệp đã phải liên kết với các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường khoảng 300-400 tấn thịt trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024 tăng cao, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm.

Đồng thời, tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Ảnh: Thu Giang

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, thời gian qua, cơ quan này đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Từ đó, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân, tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng...

Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn Hà Nội chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam).

Qua đó, phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024, không để xảy ra tình trạng đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các đơn vị cần nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ người dân.

Ước tính tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).

Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường hàng hóa dịp Tết, TP Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn trong dịp lễ, Tết...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn