MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quán karaoke trong tình trạng dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hà Nội: Đóng cửa gần 6 tháng, nhiều quán karaoke nói kiệt quệ

Nguyễn Thúy LDO | 16/02/2023 19:31
Sau gần nửa năm dừng hoạt động do siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), các cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội kiệt quệ, không có nguồn thu. Thậm chí, nhiều chủ quán không trụ nổi phải tháo biển hiệu hoặc chuyển đổi cho thuê mặt bằng.

Theo ghi nhận của PV đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke tại các tuyến phố như Trần Thái Tông, Nguyễn Khang, Nguyễn Hoàng… vẫn đang trong tình trạng cửa đóng then cài do chưa đảm bảo an toàn về PCCC.

Theo anh Nguyễn Hoàng Long - chủ quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết, việc kinh doanh karaoke chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Trước đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19, giờ là không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Nhiều quán karaoke trong tình trạng dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Chúng tôi đều phải vay mượn để làm ăn, nay dừng hoạt động không có doanh thu, nhưng tiền duy trì, tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả. Đầu tư vào quán karaoke rất tốn kém, trung bình khoảng 300-500 triệu đồng/phòng. Nếu phải đóng cửa thì thiệt hại về kinh tế cực kỳ lớn, chưa kể tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu, tiền bồi thường hợp đồng”, anh Long nói.

Một số quán karaoke đã dỡ biển hiệu và chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tương tự, một quán hát trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hụt thu hàng tỉ đồng sau gần nửa năm dừng hoạt động bởi vẫn phải đều đặn chi nguồn tiền lớn cho mặt bằng và lãi vay ngân hàng.

“Không cầm cự nổi nên tôi vừa phải chuyển đổi công năng, cho thuê mặt bằng một quán, giờ còn lại 2 quán. Các máy móc, thiết bị, nội thất trong quán khi không hoạt động sẽ dễ bị hư hỏng hoặc ẩm mốc. Bao nhiêu tiền của đều đổ hết vào đây, bỏ thì không được vì số tiền đầu tư đã quá lớn”, anh Nguyễn Thành – chủ quán hát cho biết.

Nhiều nơi phải trả lại mặt bằng, phá sản vì kiệt quệ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo anh Thành, các quy định về PCCC thay đổi thường xuyên khiến các chủ quán karaoke khó khăn trong việc thực hiện.

“Từ khi có đợt kiểm tra tổng thể về PCCC đến nay, tất cả các cơ sở đều nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay đã gần nửa năm vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn về PCCC cụ thể nào để các cơ sở khắc phục”, anh Thành nói.

Trước đó, ngày 14.2, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.

Do chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, các hộ kinh doanh karaoke vẫn hoạt động và các đoàn kiểm tra định kỳ kết luận đảm đảm yêu cầu PCCC theo quy định. Song, từ ngày 8.10.2022, sau đợt tổng kiểm tra, nhiều các cơ sở bị tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ do không đảm bảo an toàn về PCCC.

Thiết bị phòng hát bụi bẩn, ẩm mốc do không được sử dụng trong thời gian dài. Ảnh: Nguyễn Thúy

Các chủ kinh doanh karaoke mong muốn trong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành quy định cụ thể, rõ ràng từ cơ sở vật chất, diện tích, vật liệu, đảm bảo âm nhiệt, lối thoát hiểm… Từ đó có một mẫu số chung để các chủ quán karaoke có thể tiếp tục đầu tư, kinh doanh hoặc giải thể chuyển đổi sang hình thức kinh doanh mới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn