MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai khu buôn bán nổi tiếng nhất nhì Thủ đô không còn cảnh nhộn nhịp khách ra vào như nhiều năm trước. Ảnh: Nguyễn Thúy

Hà Nội: Nhiều khu chợ nổi tiếng vắng bóng khách hàng

Nguyễn Thúy LDO | 21/03/2023 11:09

Dù nằm ở vị trí đắc địa hoặc cải tạo lại theo mô hình mới nhưng các khu chợ một thời nổi tiếng sầm uất ở Hà Nội đều rơi vào cảnh ế khách khi thói quen người tiêu dùng thay đổi.

Ghi nhận của PV, tại các khu chợ nổi tiếng ở Hà Nội, tình trạng ế ẩm khiến dân buôn bán chán nản. Họ ngồi lướt điện thoại, chơi game và tán gẫu với nhau để giết thời gian. 

Vắng khách, chủ hàng ngồi túm tụm buôn chuyện hoặc chơi điện thoại giết thời gian. Ảnh: Nguyễn Thúy

Nằm ở ngã tư giao Phố Huế - Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông, vị trí được coi là đẹp nhất trong số các chợ truyền thống lâu đời của Thủ đô. Tuy nhiên, lúc này nhiều gian hàng tại chợ Hôm - Đức Viên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn trong cảnh vắng vẻ, khách ra vào thưa thớt.

Chợ Hôm từng là điểm buôn bán rất tấp nập. Ảnh: Nguyễn Thúy

Đa phần các tiểu thương cho biết, do lượng khách ít đến đây vào ngày thường nên các gian hàng chỉ mở cửa vào khung giờ buổi chiều hoặc ngày cuối tuần. 

Rất hiếm khách đến hỏi mua hàng tại các ki-ốt kinh doanh vải vóc. Ảnh: Nguyễn Thúy

Kinh doanh tại khu chợ được 4 năm, các tiểu thương tại chợ Hôm - cho biết, ế ẩm kéo dài ngày này sang ngày khác, thu nhập giảm tới 70%. Ngày nào may tiêu thụ được vài mét vải không thì cũng ngồi chơi.

Buôn bán khó khăn, không ít tiểu thương treo biển cho thuê hay sang nhượng ki-ốt.

Nhiều gian hàng trong tình trạng “cửa đóng, then cài” hoặc rao cho thuê. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Trung bình ở đây mỗi sạp cho thuê từ 10 - 15 triệu/tháng. Mỗi ngày mở cửa ra là phải kiếm được 1 triệu đồng thì mong ra mới có lãi nhưng nay tình hình khách đếm trên đầu ngón tay, kiếm được vài trăm là đỏ mắt rồi. Treo biển cho thuê mấy tháng nhưng không mấy ai dòm ngó đến để thuê lại”, chị Như Quỳnh – tiểu thương tại chợ cho hay.

 Tình trạng ế ẩm diễn ra cả tuần, không phân biệt ngày thường hay ngày nghỉ. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tương tự, trung tâm thương mại Hàng Da (Cửa Đông, Hà Nội) được cải tạo từ chợ Hàng Da cũ, với tổng diện tích 3.700m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Khu chợ cũ sầm uất ngày nào giờ thành trung tâm thương mại khang trang, hiện đại với nhiều mặt hàng xa xỉ nhưng... ế khách.

Chợ Hàng Da ế khách sau khi “lên đời“. Ảnh: Nguyễn Thúy

Khu vực dưới hầm chuyên bán quần áo, đồ gốm, giày dép… nhưng tình trạng người bán thì đông mà người mua không có là phổ biến.

Các gian hàng doanh thu bị giảm tới 70%. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tại khu quầy hàng thực phẩm tươi sống, đa phần chủ những quầy hàng còn trụ lại đều lớn tuổi, khó chuyển đổi nghề sau khi trả quầy.

Khu thực phẩm tươi sống cũng vắng khách. Ảnh: Nguyễn Thúy

Khu vực tầng 1 là một dãy ki-ốt bán rượu, bia, bánh kẹo, nhưng nay chỉ còn vài gian hàng còn hoạt động. Vài ki-ốt bị ban quản lý chợ dán niêm phong do quá thời hạn thanh toán mặt bằng. 

Hàng loạt gian hàng đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Thúy

Khu vực tầng 2, tầng 3 được bố trí làm khu vui chơi, tổ chức sự kiện, phòng tập… nhưng cũng rất vắng khách. 

Khu vực tầng 2 vắng khách. Ảnh: Nguyễn Thúy

Nhiều tiểu thương cho biết, các gian hàng ở đây không khác gì “cá mắc cạn” bởi cách đây khoảng hơn chục năm, khi chợ cũ được cải tạo thành trung tâm thương mại, các chủ hàng muốn giữ chỗ bán quen phải bỏ tiền ra mua ki-ốt.

Chính vì vậy, họ vẫn mở cửa buôn bán cầm chừng. Số khác đóng cửa để đỡ tốn tiền điện, tiền dịch vụ... Đồng thời rao bán hoặc cho thuê nhằm tháo vốn nhưng cũng không có khách hỏi.

Nhiều thang máy, thang cuốn dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thúy

Gắn bó với ngôi chợ này đã gần 10 năm, chị Hồng Phượng – tiểu thương tại chợ Hàng Da - cho biết, các gian hàng mở cửa từ sáng tới tối nhưng lượt khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết khách chỉ ngắm nghía, vào thử hàng rồi lại đi ra, không buồn trả giá.

 Buôn bán ế ẩm, nhiều chủ quầy đỏ mắt chờ khách. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Chợ cũ lên đời, chỉ béo chủ hàng, ngồi máy lạnh, ki-ốt sạch sẽ, sạch luôn cả khách. Hiện doanh thu cửa hàng tôi chủ yếu đến từ những mối khách sỉ quen lâu năm. Giờ chỉ mong bán hàng đủ tiền đóng phí dịch vụ, cầm cự”, chị Phượng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn