MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiểu thương đóng cửa, trả lại kiốt hàng loạt ở chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Hà Nội tiếp tục xây mới, cải tạo hơn 300 chợ truyền thống

THU GIANG LDO | 24/01/2024 10:00

Dù dịp Tết Nguyên đán năm 2024 đang cận kề thế nhưng các khu chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội đến nay vẫn vắng khách, thậm chí nhiều tiểu thương đã phải bỏ sạp hàng, đóng cửa kinh doanh vì nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Mặc dù vậy, theo kế hoạch, Hà Nội tiếp tục cho xây mới, cải tạo hơn 300 chợ giai đoạn 2021-2025.

Chợ truyền thống đìu hiu

Do lượng khách hàng giảm mạnh dịp cận Tết nên ông Trần Hữu Hòa (tiểu thương kinh doanh ở chợ Khương Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, thời gian qua, nhiều tiểu thương tại đây đã phải đóng cửa, trả lại kiốt hàng loạt vì buôn bán ế ẩm. Thậm chí, có những kiốt tại chợ Khương Trung chỉ trong vòng 1 tháng qua đã có 4 lần đổi chủ nhưng đến nay vẫn bỏ trống.

"Khu chợ hiện chỉ có tiểu thương ngồi buôn bán, còn khách hàng thì đếm trên đầu ngón tay. Việc buôn bán ế ẩm khiến nhiều hộ kinh doanh tại đây phải đóng cửa, sang nhượng lại kiốt hàng loạt. Do lượng khách mua vắng vẻ nên dịp Tết năm nay tôi cũng không dám nhập hàng nhiều, bán được ngày nào hay ngày đấy" - ông Hòa nói.

Tương tự, bà Trần Thị Huệ (hộ kinh doanh ở chợ Hàng Da, quận Hoàn Kiếm) thông tin, dịp cận Tết Nguyên đán thế nhưng mỗi ngày gian hàng tại đây chỉ có khoảng 1-2 khách đến mua do xu hướng mua sắm online bùng nổ. Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều tiểu thương tại chợ Hàng Da cũng lần lượt đóng cửa, treo biển cho thuê lại gian hàng, chuyển sang ngành nghề khác để duy trì cuộc sống.

Bà Huệ chia sẻ thêm, chợ Hàng Da dù nằm ở quận trung tâm Hà Nội thế nhưng thời gian qua gần như "đóng băng" sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trung tâm thương mại kết hợp chợ dân sinh. Theo nhiều tiểu thương tại chợ Hàng Da, từ ngày chợ được xây mới, việc buôn bán của các hộ kinh doanh ngày càng ế ẩm do người dân thắt chặt chi tiêu, cải tạo chợ chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, gặp sức ép cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử...

Hà Nội đã có lộ trình nâng cấp chợ truyền thống

Theo Sở Công Thương Hà Nội năm 2023, trên địa bàn thành phố hiện có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%), 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%), 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%).

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, dù muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong việc cải tạo, nâng cấp.

Sở Công Thương Hà Nội đang đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án, ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh, đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn