MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áo phông, áo khoác được treo cẩn thận trên giá, phía ngoài để khách hàng dễ nhìn thấy và mua.

Hà Nội: Tràn lan đồng phục không chính hãng của Grab

QUỐC TOẢN - CAO NGUYÊN LDO | 30/09/2019 19:09

Một số trang phục bảo hộ tài xế xe công nghệ đang được bày bán tràn lan trên thị trường, khiến khách hàng gặp phải những xe ôm giả danh Grab, Be hay GoViet lấy cước phí cao hơn.

Đường Lê Duẩn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn nổi tiếng với những ki-ốt buôn bán quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hiểm, giày dép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con đường này trở thành “điểm nóng” của tình trạng bày bán đồng phục không chính hãng của các hãng xe ôm công nghệ.

Theo ghi nhận của Lao Động, dọc tuyến đường Lê Duẩn là hàng chục ki-ốt lớn nhỏ buôn bán quần áo. Các mặt hàng áo phông, áo khoác, áo sơ mi được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Trong đó, những chiếc áo đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ nổi tiếng hiện nay được treo trên các giá, màu sắc nổi bật so với những chiếc áo bình thường khác. Ở dưới là từng chồng mũ bảo hiểm màu xanh của thương hiệu Grab được xếp gọn gàng lên nhau.

Mũ bảo hiểm của thương hiệu Grab được bán với giá 100.000 đồng. Cũng có những ki-ốt bán với giá 80.000 đồng. Nếu khách mua với số lượng lớn thì giá của mũ là 60.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Vân, chủ của một ki ốt nhỏ trên đường Lê Duẩn cho biết: “Mỗi chiếc áo phông dài tay của hãng xe ôm Grab có giá là 120.000 đồng, áo khoác là 200.000 đồng, mũ bảo hiểm là 100.000 đồng. Nếu mua cả bộ áo phông và mũ bảo hiểm thì sẽ có giá là 200.000 đồng. Tất cả các mặt hàng đều là hàng chính hãng của công ty”.

Theo bà Vân, ki ốt của bà bán đủ đồng phục của thương hiệu Grab. Áo có đủ kích cỡ. Nhiều người là sinh viên và người đã nghỉ hưu muốn kiếm thêm thu nhập nên mua đồng phục ở ki ốt của bà để chạy xe.

“Tôi bán áo này lâu rồi, mùa nào cũng có. Mùa hè mặc áo phông thì mát, mùa đông mặc áo khoác giữ nhiệt rất tốt nên nhiều người mua hàng của tôi”, bà Vân quảng cáo.

Không chỉ có đồng phục Grab, những ki ốt bên cạnh ki ốt của bà Vân còn treo áo của các thương hiệu khác như GoViet hay Bee.

 Chiếc mũ bảo hiểm chính hãng của tài xế Nguyễn Văn Linh. Anh cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ không đảm bảo được sự an toàn cho hành khách.

Làm nghề xe ôm công nghệ được hơn 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Linh (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều tài xế ham lợi, ham rẻ nên đã lựa chọn mua đồ giả ở ngoài. Tuy nhiên, nếu chỉ quan sát bên ngoài thì rất khó để phân biệt được đâu là hàng chính hãng và hàng giả.

Được biết, Grab sẽ đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục GrabBike hoặc giả mạo đồng phục GrabBike.

Đại diện Grab cho biết: "Trong suốt quá trình hợp tác, đối tác tài xế sẽ mua đồng phục. Theo như thỏa thuận, khi ngưng hợp tác, tài xế cần hoàn trả đồng phục và sẽ được thanh toán lại 50% chi phí mua đồng phục khi thanh lí hợp đồng. Hơn hết, phía Grab không hợp tác với bất kì đơn vị nào khác để triển khai bán riêng lẻ đồng phục GrabBike".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn