MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hạ tầng giao thông Đèo Cả: Lợi nhuận sau thuế tăng, tổng tài sản gần 34 nghìn tỷ đồng

QUANG DÂN LDO | 24/04/2022 10:26

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 của HHV, lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng kỉ lục 66%. Tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của HHV là 26.287 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm đến 80% tổng nợ phải trả. Tuy nhiên, đây là các khoản nợ dài hạn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia.

Trong các doanh nghiệp BOT hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV) là doanh nghiệp có quy mô lớn khi các chỉ số về tổng tài sản, vốn điều lệ, doanh thu... đều nằm top đầu của nhóm ngành.

Doanh thu lợi nhuận đều tăng trưởng

Trong năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động kinh doanh, HHV vẫn gây ấn tượng với sự tăng trưởng về mặt kinh tế.

Kết thúc năm 2021, Công ty ghi nhận 1.861 tỉ đồng doanh thu, tăng 55% so với 2020. Cơ cấu doanh thu cho thấy, doanh thu thu phí đạt 1.265 tỉ đồng, chiếm 68% tổng doanh thu và tăng 35% so với năm ngoái. Đồng thời, HHV báo lãi sau thuế 291 tỉ đồng, tăng ấn tượng 65%, vượt kế hoạch đã đề ra.

Lý giải cho biến động kinh doanh trong kỳ, phía Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cho biết, năm 2021 do tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến một số hoạt động kinh doanh của HHV. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh hoạt động thi công, xây lắp một số gói thầu lớn tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Trung Lương – Mỹ Thuận. Ngoài ra, các hoạt động quản lý, vận hành các công trình đường bộ và các trạm thu phí tiếp tục được duy trì ổn định giúp kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng.

Nguồn vốn tài trợ cho các dự án BOT

Xem xét BCTC, doanh nghiệp còn những điểm gợn trong các chỉ số kinh doanh khi khoản nợ phải trả lớn, , hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hơn 77% cho thấy doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép nhất định về mặt tài chính.

Nguồn: BCTC đã kiểm toán năm 2021 các doanh nghiệp BOT

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, PV được biết: Tại thời điểm 31.12.2021, BCTC hợp nhất của HHV ghi nhận tổng nợ vay là hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó hơn 20.000 tỷ đồng là nợ vay dài hạn tại các tổ chức tín dụng để tài trợ cho các dự án BOT..

HHV hiện là nhà đầu tư trực tiếp vào 05 dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Trong đó, 04 dự án đã đưa vào khai thác bao gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng; Hầm đường bộ Phước Tượng Phú Gia 1.559 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà 2.644 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng đang trong giai đoạn thu xếp vốn để triển khai.

Với tổng mức đầu tư lớn như vậy, nhưng giai đoạn trước đây các dự án BOT đều không có nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Đối với 4 dự án của HHV đã đưa vào thu phí, chỉ duy nhất dự án Hầm Đèo Cả có một phần vốn ngân sách tham gia nhưng vẫn còn lại 1.186 tỷ đồng chưa được bố trí giải ngân.

Còn lại, nguồn vốn chính để hình thành các dự án là từ nguồn vốn chủ sở hữu do các nhà đầu tư góp vào và nguồn vốn vay tín dụng. Với đặc thù này, dễ hiểu khi tổng dư nợ của HHV là một con số lớn.

Tuy nhiên, nguồn vốn này đã hình thành nên các tài sản là các đoạn đường cao tốc, các hầm đường bộ có ý nghĩa lớn lao với việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội vùng miền. Tổng tài sản của HHV tại 31.12.2021 ghi nhận đạt gần 34.000 tỷ đồng.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn