MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Tĩnh đề nghị dừng khai thác sắt Thạch Khê, TKV nêu hàng loạt hệ luỵ

TRÍ MINH LDO | 03/06/2022 17:57

Theo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, do dự án mỏ sắt Thạch Khê bị dừng lại nên đơn vị triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê đang phải xoay xở với hàng loạt các khó khăn về tài chính và quyền lợi của người lao động. 

Hóa đơn của Thạch Khê bị ngừng sử dụng

Như Báo Lao Động đã phản ánh vào đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đề xuất Chính phủ cho khai thác lại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này hồi đầu năm nay. 

Dự án mỏ sắt Thạch Khê nằm trên diện tích gần 3.900 ha thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đánh giá, đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tính trên 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.

Ngày 3.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết nếu dừng thực hiện dự án theo kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh sẽ phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt.

"Điều này có ảnh hưởng lớn tới các cổ đông đã góp vốn thực hiện dự án, nguy cơ tổn thất vốn, đặc biệt là khó trong việc xử lý khoản nợ hơn 130 tỉ đồng đối với các nhà thầu trong nước và quốc tế, gây lãng phí các hạng mục đã đầu tư" -TKV cho hay.

Mỏ sắt Thạch Khê vẫn đang dừng khai thác từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Trần Tuấn.

Ngoài ra, với một dự án từng được đánh giá có nhiều tiềm năng như mỏ sắt Thạch Khê, nếu bị dừng lại sẽ dẫn tới mất một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Trước đó, theo tính toán, phía TKV cho biết, khi hoàn thành giai đoạn I dự án sẽ nộp ngân sách khoảng 1.500 tỉ đồng/ năm; giai đoạn II nộp ngân sách trên 2.800 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, khoảng 3.500 lao động địa phương theo kế hoạch cũng sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trực tiếp nếu dự án đi vào hoạt động. 

Chưa dừng lại ở đó, theo đại diện TKV cho hay, do dự án bị dừng lại nên đơn vị triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) cũng đang phải xoay xở với hàng loạt các khó khăn về tài chính và quyền lợi của người lao động. 

“Dù đề nghị dừng thực hiện dự án nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn yêu cầu Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền thuê đất, thuế phi nông nghiệp.

Thậm chí vào năm 2021, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn của TIC nên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị này bị tê liệt. Từ đó đến nay công ty không thể tiến hành trả lương, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống công nhân, người lao động” - phía TKV cho hay. 

Trước đó, để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối).

Luỹ kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỉ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án sắt Thạch Khê.

Lý giải về tác động môi trường

Vào đầu tháng 5, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết nguyên nhân đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê do lo ngại về công nghệ khai thác chưa hiện đại, kiểu khai thác truyền thống sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, môi trường.

Về vấn đề này, đại diện TKV cho biết, việc đầu tư khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê chỉ là một trong những công đoạn khai thác, chế biến khoáng sản. Trong công đoạn này chỉ xúc bốc vận chuyển đổ thải đất, đá, cát; khai thác, tuyển rửa quặng nên có sự khác biệt với quá trình luyện kim.

Trong dây chuyền công nghệ khai thác, tuyển quặng không sử dụng hóa chất; nước sản xuất khâu tuyển rửa quặng được sử dụng tuần hoàn; nước thải mỏ được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải; công tác đổ thải cát ra bãi thải lấn biển đã giải quyết được vấn đề đổ thải cao trong đất liền, qua đó khắc phục được hiện tượng cát bay, cát chảy…

Phía TKV cho hay, các giải pháp về bảo vệ môi trường đã được làm rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn