MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều mỏ đá hoạt động cầm chừng, cho dù đã đầu tư vốn để trang sắm các thiết bị máy móc hiện đại

Hà Tĩnh: “Điểm nghẽn” trong thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

ANH ĐỨC LDO | 10/09/2018 17:18

Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời là tiền đề quan trọng cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra. Tuy nhiên thời gian qua, hoạt động kinh doanh khoáng sản đang gặp khó khăn về đầu ra dẫn tới việc nợ tiền cấp quyền khai thác của một số đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh.

Theo tìm hiểu của PV, do không bán được đá, nhiều mỏ đã tạm ngừng hoạt động, thậm chí có đơn vị đã rút hoàn toàn các máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực mỏ đã đấu thầu. Đối với những mỏ còn hoạt động cầm chừng cũng đang gặp không ít khó khăn do hoạt động kinh doanh ế ẩm, số tài nguyên bán ra không đủ để đóng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên.

Ông Bùi Hải Nhân, mỏ đá Thanh Nam, thị xã Kỳ Anh cho biết: Đầu ra không có nên doanh nghiệp phải tạm dừng mất 2 năm, đến bây giờ có đầu ra là xuất khẩu cho thị trường Bangladesh, nên xin hoạt động lại, vừa tạo công ăn việc làm vừa cho người dân địa phương vừa có tiền để trả nợ cho Nhà nước.

Vật liệu sản xuất ra chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ nên tồn ứ lượng lớn tại các mỏ khai thác đá.

Giai đoạn những năm 2014-2015, thị xã Kỳ Anh có hơn 50 mỏ vật liệu xây dựng, nhưng đến nay chỉ còn lại rất ít mỏ còn hoạt động, thậm chí có những mỏ đã đắp chiếu nhiều năm vừa tải khởi động lại thì đã hết hạn khai thác.

Đến 31.12.2018 này, mỏ đá của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Kỳ Phương sẽ hết hạn và phải đóng cửa theo quy định. Đáng nói là nếu ngừng hoạt động, với số tiền cấp quyền mà công ty này còn nợ Nhà nước thì sẽ khó có thể thu hồi mỏ.

Ông Trương Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Kỳ Phương chia sẻ: Sản phẩm không bán được nhưng vẫn phải tính nợ, chúng tôi có đề xuất là tỉnh nên có cơ chế tạo cho doanh nghiệp có lộ trình để doanh nghiệp giải quyết nợ và gia hạn giấy phép vì vốn đầu tư vào đây là quá lớn, công ty cũng có cơ hội thu hồi vốn để phát triển đóng góp vào nguồn ngân sách của tỉnh.

Ngoài nguyên nhân kinh doanh ế ẩm, việc nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn có nguyên nhân khách quan khác đó là Nghị định 2003 của Chính phủ về thu tiền cấp quyền có hiệu lực sau khi các đơn vị này đã đi vào hoạt động từ 2-3 năm.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ kế hoạch hoạt động và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Các doanh nghiệp không có tính toán khoản tiền cấp quyền khai thác đưa vào dự án để hạch toán gia trị sản phẩm khai thác. Ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Kỳ Anh cho biết.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng khai thác do không có thị trường đầu ra.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ với mục đích vừa tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, vừa tránh được thất thu ngân sách của Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn