MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hai kịch bản phụ tải điện giai đoạn 2020-2025

Cường Ngô LDO | 23/12/2020 12:56

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tính toán 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện trong giai đoạn 2020-2025, trong đó có phương án cơ sở và phương án cao.

Nhu cầu điện năm 2020 tăng trưởng thấp so với dự kiến

Báo cáo chuyên đề: "Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo điện giai đoạn 2021-2025” tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên toàn quốc tháng 12.2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 23.12, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN - cho biết, năm 2020, đại dịch COVID-19 và bão lũ đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành kinh tế trong cả nước, nên nhu cầu điện năm 2020 tăng trưởng thấp hơn so kế hoạch dự kiến.

Điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 214,2 tỉ kWh, tăng trưởng 2,1% so năm 2019. Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 61.000MW, tăng 4.700MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 10.400MW chiếm 17%.

Trong năm 2020, EVN triển khai 2 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện với tổng giá trị dự kiến trên 12.300 tỉ, với tổng thời gian giảm lên tới 6 tháng. Trong đó, đợt 1 hơn 9.300 tỉ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6; đợt 2 với dự kiến số tiền giảm lên trên 3.000 tỉ đồng trong kỳ hóa đơn từ tháng 10 đến tháng 12.

Hai kịch bản nhu cầu phụ tải điện giai đoạn 2020-2025

Nhận định khả năng cung ứng điện giai đoạn 2020-2025, ông Dương Quang Thành cho hay, EVN dự báo 2 kịch bản nhu cầu phụ tải điện. Đó là, phương án cơ sở, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 8,6%/năm và phương án cao (với kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau COVID-19, đồng thời có xem xét đến khả năng có làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam), tăng trưởng 9,4%/năm.

Ông Dương Quang Thành cho biết, EVN đang tính toán 2 phương án nhu cầu phụ tải điện giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Tuấn Văn

"Đối với phương án cơ sở, hệ thống có thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong toàn bộ giai đoạn 2021-2025 và có dự phòng nguồn điện khá lớn, không cần huy động các nguồn điện chạy dầu.

Đối với phương án cao, hệ thống có thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên cần huy động thêm các nguồn điện dầu với sản lượng khoảng 4,7 tỉ kWh năm 2023 và 3,8 tỉ kWh vào năm 2024", ông Thành nói.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN cũng nêu ra một số khó khăn về đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025, như tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh chậm có thể gây nguy cơ thiếu điện trong năm 2025 và cả các năm sau.

Chính sách phát triển các nguồn điện chạy khí LNG chưa rõ ràng, dẫn tới khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư và có nguy cơ chậm tiến độ. Tiến độ các nguồn nhiệt điện than, khí do các đơn vị BOT/IPP được giao làm chủ đầu tư đa số đã bị chậm tiến độ so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

"Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên nhu cầu phụ tải trong tương lai là rất khó dự báo, phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới", ông Thành nhận định.

Còn về mức độ khả thi và phát triển các nguồn điện gió, theo ông Dương Quang Thành, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bổ sung quy hoạch các dự án điện gió mới với quy mô bổ sung thêm 7.000MW (vận hành trong giai đoạn 2021-2025).

Theo đó tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn điện gió tăng thêm so với báo cáo trước đây khoảng 10 tỉ kWh/năm.

"Đây cũng là yếu tố khá rủi ro tác động đến việc đảm bảo cung ứng điện nếu các dự án điện gió (đa số các chủ đầu tư tư nhân) không triển khai đáp ứng theo tiến độ như dự kiến", Chủ tịch HĐTV EVN nói, đồng thời khẳng định, ngành điện sẽ nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của người dân trong giai đoạn 2020-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn