MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
14 chủ nhà hàng nổi ở vịnh Cát Bà (Hải Phòng) bất ngờ nhận được thông báo di dời cấp tốc. Ảnh: MC

Hải Phòng: Nhiều nhà hàng nổi ở Cát Bà kêu cứu vì bị yêu cầu di dời bất ngờ

Mai Chi LDO | 23/04/2022 14:19
Hải Phòng - Báo Lao Động nhận được đơn kêu cứu của hàng loạt nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà (Hải Phòng) về việc bất ngờ bị yêu cầu di dời khỏi khu vực đang kinh doanh trong khi mùa du lịch đang đến gần.

Yêu cầu di chuyển cấp tốc

Trong đơn gửi báo chí, các chủ nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà kêu cứu cho rằng, sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du lịch đóng băng, các chủ nhà hàng nổi chịu thiệt hại nặng nề. Đến nay, khi Chính phủ vừa cho phép mở cửa du lịch, Khu du lịch Cát Bà cũng bắt đầu đón khách trở lại, thì các cơ sở kinh doanh nhà hàng nổi lại bất ngờ nhận được thông báo phải di dời khỏi nơi kinh doanh trước ngày 1.5.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - chủ nhà hàng nổi Cát Tiên tại vịnh trung tâm, thị trấn Cát Bà - cho biết: Tôi kinh doanh nhà hàng nổi tại vịnh đã 14 năm qua. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chúng tôi hầu như không kinh doanh được gì. Vừa rồi mới bắt đầu đi vào hoạt động trở lại, tưởng là cuộc sống, kinh doanh sẽ đi vào ổn định. Thì đùng một cái, ngày 5.4, UBND huyện Cát Hải mời 14 hộ kinh doanh nhà nổi chúng tôi đi họp. Tại cuộc họp này, huyện yêu cầu chúng tôi phải di chuyển nhà hàng nổi ra khỏi vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà trước ngày 1.5.2022 khiến hầu hết đều ngỡ ngàng, hoang mang.

Nhiều nhà hàng nổi mong muốn được kinh doanh hết mùa hè để khắc phục khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Theo những người này, UBND huyện sắp xếp các nhà hàng nổi về khu Cái Bèo, thị trấn Cát Bà.

“Khu vực đó không có cầu nối trực tiếp từ bờ xuống nhà hàng nổi. Muốn đưa khách xuống, chủ nhà hàng phải dùng phương tiện thủy trung chuyển, nhưng lại cắt ngang đường giao thông thủy, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Chưa kể, khu vực này còn nằm ngay cạnh cửa biển, chưa tính đến bão gió, chỉ cần gió mùa cũng đã không đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho du khách. Nên có thể nói, địa điểm này khó mà kinh doanh được” - ông Dũng nói.

Tương tự như vậy, hàng loạt các nhà hàng như Lan Hạ, Mai Hoa, Trang Nhung… đều cho rằng, việc chính quyền ra thông báo di dời một cách gấp gáp như vậy, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ nhà hàng.

Ông Bùi Đăng Dư - chủ nhà hàng Lan Hạ - cho hay: Các nhà hàng hầu hết được đầu tư với kinh phí lớn, từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng/một nhà hàng. Thế nhưng, huyện yêu cầu chúng tôi di chuyển gấp gáp, không có lộ trình.

“Huyện Cát Hải cho biết, việc di chuyển nhà hàng nổi, bè nuôi trồng, thu mua thủy sản khu vực vịnh trung tâm thị trấn Cát Bà căn cứ theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 12.8.2021 của HĐND TP.Hải Phòng và Thông báo số 500/TB-UBND của UBND TP.Hải Phòng ngày 8.11.2021. Tuy nhiên, Nghị quyết 05 chỉ nói về việc hỗ trợ cho các lồng bè, nhà chòi, người nuôi trồng thủy sản, chứ không hề có phương án hỗ trợ cho chúng tôi trong việc di dời” - ông Dư nói.

Trước thông báo yêu cầu di dời của huyện Cát Hải, các chủ nhà hàng nổi đều không đồng tình. “Chúng tôi vừa trải qua đại dịch COVID-19 khốn khó, đang khởi động mùa du lịch đón khách đến tham quan để phục hồi khó khăn thì bất ngờ nhận được thông báo này. Việc yêu cầu di chuyển trước ngày 1.5 sẽ tạo ra thiệt hại vô cùng lớn đối với chúng tôi, vì thời điểm này là lúc Cát Bà sẽ đông khách nhất. Chúng tôi tha thiết đề nghị chính quyền thành phố xem xét kéo dài thời gian di chuyển để các nhà hàng khai thác nốt mùa du lịch” - chủ cơ sở Mai Hoa nói.

Các chủ nhà hàng cũng đề nghị UBND huyện Cát Hải có giải pháp để địa điểm mới phải đủ điều kiện an toàn, ổn định lâu dài cho người dân yên tâm làm ăn.

"Trong trường hợp huyện muốn xóa bỏ hẳn nhà hàng nổi thì cần xem xét việc giải tỏa, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân” - một chủ cơ sở nói.

Theo các chủ nhà hàng nổi, địa điểm được yêu cầu di dời đến nằm gần cửa biển, gây khó khăn trong việc kinh doanh.

"Chúng tôi làm đều có căn cứ"

Trao đổi với báo chí về quyết định di dời 14 nhà hàng nổi trên Vịnh trung tâm Cát Bà trước ngày 1.5, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải-  cho biết: Việc di chuyển các nhà hàng nổi nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND của HĐND TP.Hải Phòng (Quy định hỗ trợ thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà) và thông báo số 500/TB-UBND ngày 11.8.2021 của UBND TP.Hải Phòng (về việc di chuyển cảng cá Cát Bà).

Theo ông Vinh, Nghị quyết 05 quy định, đối tượng được hưởng hỗ trợ khi di dời chỉ bao gồm các cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở dịch vụ, nhà hàng nổi không được hỗ trợ, nhưng vẫn phải di dời khỏi vịnh Cát Bà.

Huyện đã tạo điều kiện đưa bà con sang Bến Bèo đến tiếp tục kinh doanh dịch vụ. Về ý kiến không an toàn khi gió nồm nam, ông Vinh cho rằng, nếu gió nồm nam cấp 5 - 6 thì tàu thuyền cũng phải di dời về nơi tránh trú an toàn (!).

Còn về việc tàu chở khách sang nhà hàng nổi cắt ngang luồng hàng hải thủy nội địa, theo ông Vinh, vì huyện đã di dời cảng cá khu vực thị trấn Cát Bà về cảng Trân Châu (xã Trân Châu, Cát Hải), nên hệ thống tàu thuyền chạy qua khu vực này sẽ giảm.

Về việc gấp gáp khi thực hiện việc di dời, ông Vinh cho rằng, năm 2021, huyện thực hiện việc di dời các lồng bè, nhà chòi nuôi trồng thủy sản cũng rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc di chuyển các lồng bè, nhà chòi nuôi trồng thủy sản được nhà nước hỗ trợ khi di chuyển, trong khi các nhà hàng nổi thì không được hỗ trợ.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn