MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trước áp lực thu ngân sách. Ảnh: Tổng cục Hải quan.

Hải quan triển khai loạt giải pháp trước áp lực thu ngân sách

TRÍ MINH LDO | 01/11/2023 15:00

Cơ quan Hải quan đang triển khai một loạt giải pháp ứng phó trước áp lực thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm. Đặc biệt, cơ quan chức năng chú trọng các biện pháp thu hồi và xử lý nợ thuế.

Cụ thể, cập nhật từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ ngày 1.1 đến ngày 15.9 vừa qua, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 254.302 tỉ đồng, bằng 59,8% dự toán, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, chiến sự tại Nga – Ukraine diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với sự thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh.

Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chỉ tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là đối với các ngành như dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục biến động.

Từ những yếu tố trên dẫn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15.9 đạt 464,1 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước từ đầu năm đến 15.9 đạt 89,3 tỉ USD, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu có thuế một số nhóm hàng chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Điển hình như kim ngạch nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 55% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm 24%, làm giảm thu ngân sách khoảng 31.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022;

Đối với, mặt hàng ô tô nguyên chiếc từ tháng 5 đến nay số lượng ô tô giảm 40%/tháng so với các tháng đầu năm làm giảm thu 1.100 tỉ đồng/tháng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến số thu từ tháng 5 có xu hướng giảm dần.

Trước áp lực thu ngân sách những tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan cho biết đang đẩy mạnh các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, các biện pháp hạn chế phát sinh nợ mới.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan thường xuyên đôn đốc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong công tác thu hồi và xử lý nợ thuế.

Triển khai các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định như: Phân loại nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế, để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, xác định chính xác khoản nợ, nguyên nhân nợ thuế, áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp đối với từng nhóm nợ, khoản nợ; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để thu hồi nợ thuế.

Ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế quá hạn cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Hàng tháng tổng hợp việc thực hiện chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, đưa ra các chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế kịp thời.

Thực hiện nghiêm túc việc thu hồi và xử lý nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế để thu hồi các khoản nợ có khả năng thu.

Kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan ban ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và Cục Thuế để truy tìm doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp trong công tác thu hồi nợ đọng thuế;...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn