MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trước áp lực thu ngân sách. Ảnh: Tổng cục Hải quan.

Hải quan ứng phó trước áp lực thu ngân sách những tháng cuối năm

TRÍ MINH LDO | 08/10/2023 17:22

Các Cục Hải quan địa phương đang tăng cường nhiều giải pháp nhằm ứng phó trước áp lực thu ngân sách những tháng cuối năm.

Theo đó, có nhiều khó khăn trong hoạt động thu ngân sách vừa được ngành hải quan cho biết như hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng giảm so cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15.9 đạt 461,1 tỉ USD, giảm 11,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ.

Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 34 nghìn tỉ đồng so cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình trên, theo ông Phan Quốc Đông - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội, 9 tháng qua, đơn vị thu đạt 21.492 tỉ đồng, đạt 64,81% chỉ tiêu, giảm 12,33% so với cùng kỳ.

Về dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu có thể chuyển biến tích cực hơn. Lãnh đạo Cục Hải quan TP Hà Nội cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung đồng hành cùng doanh nghiệp, chú trọng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, đơn vị này đang tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách với phương châm hành động cụ thể, bám sát các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, cơ quan hải quan đang tập trung đánh giá khả năng thu, xử lý hiệu quả nợ thuế, thực hiện hiệu quả công tác giám sát hải quan và soi chiếu hàng hóa tại cảng biển thuộc địa bàn quản lý, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại… để có giải pháp quyết liệt hơn nữa nỗ lực hoàn thành thu ngân sách ở mức cao nhất.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị bám sát và đánh giá cụ thể tình hình ngân sách nhà nước năm 2023; xây dựng dự toán năm 2024, giai đoạn 2024-2026 sát với tình hình thực tế.

Trong đó, các đơn vị trong toàn ngành cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ chống thất thu về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá; tăng cường sử dụng máy soi, chiếu để phát hiện bước đầu các nghi vấn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý hàng bách hoá nhập khẩu theo đúng chỉ đạo tại công văn số 119/TCHQ-GSQL về nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan.

Đồng bộ các biện pháp quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng kết quả phân tích, phân loại không thống nhất trong phạm vi chi cục; cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định hải quan; tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ…

Bên cạnh đó, tích cực rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.1.2023 theo 4 nhóm: nhóm nợ khó thu; nhóm nợ chờ xử lý; nhóm nợ được khoanh; nhóm nợ có khả năng thu hồi. Đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp theo quy định đối với từng nhóm nợ theo đúng hướng dẫn,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn