MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh KH

Hầm Hải Vân có nguy cơ đóng cửa: "Doanh nghiệp đòi tăng phí là có cơ sở"?

Phạm Dung LDO | 31/10/2018 14:56
Hiện tại, trạm thu phí Nam Hải Vân thuộc dự án Đèo Cả không được thu phí dẫn đến thu không đủ chi, gây lỗ kéo dài. PGS-TS, chuyên gia giao thông Nguyễn Quang Toản cho rằng, cần giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người dân. 

Doanh nghiệp bị vướng

Thông tin hầm Hải Vân, công trình hầm đường bộ dài nhất Việt Nam nằm trong dự án Đèo Cả đang trước nguy cơ phải dừng hoạt động và có thể bị cắt điện đang khiến dư luận xôn xao.

Theo ông Lưu Xuân Thủy – Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, từ khi hầm Đèo Cả tiến hành thu phí từ 3.9.2017 đến nay, nhà đầu tư vẫn phải áp dụng thu phí theo mức giá vé theo quy định của Thông tư 35/2016, mức phí này thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt, làm phương án tài chính của dự án không được đảm bảo.

Ngoài ra, cũng theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, trạm thu phí Nam Hải Vân (địa phận Đà Nẵng) sẽ được thu phí từ ngày 1.1.2017 để nhà đầu tư có nguồn kinh phí quản lý vận hành và hoàn vốn. Nhưng do trạm thu phí dự kiến này chỉ cách trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia (tại Thừa Thiên - Huế) khoảng 12 km, không đảm bảo quy định nên Bộ GTVT đã quyết định bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc nhưng suốt thời gian dài chưa được giải quyết, khiến dự án không đủ nguồn thu để duy trì công tác vận hành hầm Đèo Cả và đường dẫn.

Theo PGS. TS, chuyên gia giao thông Nguyễn Quang Toản, việc doanh nghiệp yêu cầu được tăng phí theo đúng thỏa thuận đã ký với Nhà nước khi xây dựng đường hầm là có căn cứ.

Nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp

Ông Toản phân tích, nguồn thu của doanh nghiệp BOT phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là phụ thuộc vào lượng xe, lượng xe tăng thì doanh thu tăng. Hai là mức phí.

Trong trường hợp 1, nếu doanh nghiệp đã được đảm bảo mọi điều kiện như thỏa thuận ban đầu mà số lượng xe không tăng, dẫn đến thua lỗ thì doanh nghiệp phải chịu.

Song trong trường hợp thứ 2, doanh nghiệp kêu khó do vướng phải một số điều không theo thỏa thuận ban đầu, thu không đủ, chi phí bảo dưỡng, chi phí hoạt động tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Bộ GTVT phải đảm bảo thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký với doanh nghiệp. Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả là doanh nghiệp tư nhân, họ đầu tư vào BOT thì phải có lãi”, chuyên gia này cho biết.  

Song chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần phải thanh tra, kiểm tra xem những khoản chi phí cho bảo hành, bảo dưỡng và vận hành BOT của doanh nghiệp trên đã đúng với quy định chưa, tính pháp lý của dự án như thế nào. Nếu những khoản chi phí này bất thường, dẫn đến thâm hụt và gây lỗ thì phải xử lý các cá nhân tổ chức có trách nhiệm.

Cũng theo PGS.TS Toản, BOT phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 2 thành tố: Nhà đầu tư và người dân - với tư cách là người sử dụng dịch vụ. Tăng phí để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì cũng không được làm.

“Để đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp và người dân, trong trường hợp này, nhà nước chỉ còn cách lấy ngân sách ra để bù lỗ cho doanh nghiệp”, ông Toản phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn