MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do ảnh hưởng dai dẳng của hạn mặn, những vườn cây vú sữa phải đốn hạ (ảnh: P.V)

Hạn mặn đi qua, nỗi đau còn dai dẳng

TRẦN LƯU - NHẬT HỒ LDO | 25/09/2017 14:31
Hơn 1 năm sau đợt hạn mặn lịch sử, những ảnh hưởng khốc liệt vẫn còn chồng chất lên người nông dân ĐBSCL với những đau thương và nước mắt…

Huyện Kế Sách được xem thủ phủ trái cây của tỉnh Sóc Trăng. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã gây thiệt hại cho nhiều vườn cây ăn trái, kéo theo đó, nguồn sinh kế cho hàng ngàn nông hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đau lòng hơn, khi hơn 1 năm sau đợt hạn mặn lịch sử, những ảnh hưởng khốc liệt vẫn còn chồng chất lên người nông dân.

Ngồi thẫn thờ bên vườn vú sữa vừa bị đốn hạ, chị Võ Thị Đăng (xã Xuân Hòa) nghẹn ngào kể: Gia đình chị trồng 1ha vú sữa đa 10 năm nay, đó cũng là nguồn sinh kế duy nhất. Khi nước mặn tràn vào, gia đình không biết nên vẫn tưới cây, khi biết thì chuyện đã quá muộn. Hơn một năm sau, dù đã có gắng cải tạo, đầu tư với hy vọng duy trì được vườn cây, nhưng lá vẫn cứ rụn, rồi cây chết. Không còn cách nào khác, chị phải kêu người tới đốn bán với giá 200.000 đồng.

Do ảnh hưởng dai dẳng của hạn mặn, những vườn cây vú sữa phải đốn hạ (ảnh: P.V)

Tương tự, vườn vú sữa rộng hàng chục ha của anh Nguyễn Hoàng Thiên trước đây cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, giờ chỉ còn trơ gốc nằm trên mảnh đất trống. Anh Thiên nói: “Nông dân xứ này đã cố gắng cải tạo đất với hy vọng cứu được các vườn cây, nhưng mọi công sức đều tan thành mây khói. Nó hư thì phải đốn thôi, không cứu được nữa, bây giờ chỉ ráng trồng lại, còn không được thì đi mần mướn chứ biết sao giờ”.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho hay, đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã gây thiệt hại hơn 1.000 vườn cây ăn trái của tỉnh. Và đến nay, nhiều vườn cây ăn trái vẫn phải bị đốn hạ trong nỗi đau của người dân.

Ghi nhận thực tế tại các địa phương, nhiều nông hộ cũng đang điêu đứng khi ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến giờ vẫn còn dai dẳng. Hạn mặn hoành hành, đất sản xuất không thể trồng trọt, nhiều tháng qua, cả trăm thanh niên độ tuổi lao động đã ùn ùn bỏ quê lên TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tìm việc. Xóm nghèo giờ chỉ còn lại người già và trẻ con.

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng: Nếu chỉ hạn hán không thì còn dễ đối phó nhưng đã xâm nhập mặn thì đến 10 năm sau, đồng ruộng đất dai cũng khó khôi phục để sản xuất, canh tác.

Biến đổi khí hậu với những ảnh hưởng khốc liệt vẫn chưa dừng lại. Những nỗi đau của người nông dân chắc chắn sẽ còn dai dẳng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn