MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợi nhuận của Hancorp suy giảm mạnh kể từ 2018. Ảnh: M.A

Hancorp làm ăn thế nào trước thềm thoái vốn của Bộ Xây dựng?

Minh An LDO | 04/12/2020 08:23
Cổ phiếu HAN của Hancorp đã tăng gấp đôi kể từ khi Bộ Xây dựng công bố sẽ thoái sạch vốn vào ngày 16.12 tới.

Ngày 16.12 tới, Bộ Xây dựng sẽ đấu giá 139,4 triệu cổ phiếu HAN tương đương 98,83% vốn đang sở hữu tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) trên HNX.

Giá khởi điểm được xác định là 19.930 đồng/cổ phiếu. Bản công bố thông tin nêu rõ, trước phiên đấu giá, nếu giá tham chiếu của cổ phiếu HAN bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán cao hơn 19.930 đồng/cổ phiếu thì lấy giá tham chiếu trung bình của 30 ngày giao dịch liên tiếp để làm giá khởi điểm.

Thị giá tăng gấp đôi, thanh khoản tăng đột biến

Kể từ sau khi Bộ Xây dựng công bố thoái vốn, cổ phiếu HAN tăng mạnh. 10 phiên giao dịch gần đây nhất đã có 2 phiên tăng trần, 7 phiên tăng điểm và 1 phiên đóng cửa ở mức giá tham chiếu.

Phiên giao dịch 3.12, thị giá HAN đạt mức 26.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra. Trong đó, có thời điểm cổ phiếu này đạt mức giá trần 27.000 đồng/cổ phiếu - cao nhất kể từ khi niêm yết trên UPCOM.

Đi cùng với đà tăng giá mạnh, thanh khoản của mã này cũng đột biến. Trước đó, cổ phiếu này không được nhà đầu tư quan tâm vì chỉ giao dịch vài trăm đơn vị mỗi phiên. Ghi nhận phiên giao dịch gần đây nhất là ngày 1.12, khối lượng giao dịch lên tới hơn 254 nghìn cổ phiếu.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Hancorp là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập theo Quyết định số 324/BXD-TCCB ngày 11.12.1982 trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng về Tổng công ty gồm: Công ty Xây dựng số 1, Công ty Xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 11, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội, Xí nghiệp Một Bạch Đằng.

Ngày 20.11.1995, Hancorp được thành lập lại theo Quyết định số 990/BXD-TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng gồm: 17 đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, 1 đơn vị phụ thuộc hoạch toán nội bộ, 06 đơn vị sự nghiệp và 6 doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty.

Ngày 15.8.2014, công ty đã chính thức chuyển đổi sang hình thức hoạt động công ty cổ phần với vốn điều lệ là 1.410 tỉ đồng. Kể từ thời điểm cổ phần hoá đến nay, công ty chưa thực hiện tăng vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020, Hancorp chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 2 tỉ đồng, giảm tới 49% so với cùng kỳ 2019.

Hancorp lý giải lợi nhuận sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dẫn đến kết quả kinh doanh của một số công ty con bị ảnh hưởng đáng kể.

Tuy nhiên, đà suy giảm lợi nhuận của Hancorp đã bắt đầu từ 2018.

Cụ thể, lãi sau thuế của Hanncorp đã giảm 1 mạch từ 134,5 tỉ năm 2017 xuống gần 93 tỉ năm 2018 và tiếp tục giảm sâu xuống mức 37,36 tỉ đồng năm 2019 - tương đương mức giảm hơn 70% trong 2 năm.

Tại ngày 30.6.2020, Hancorp có tổng tài sản 6.079 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài chính dài hạn 885 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 2.468 tỉ đồng.

Trích lập dự phòng khó đòi của các khoản phải thu dài hạn gần 71 tỉ; dự phòng ngắn hạn lên tới 147 tỉ đồng.

Đến hết quý II/2020, tổng giá trị hàng tồn kho của Hancorp là 1.910 tỉ đồng, tăng 10% so với con số đầu năm.

Trong đó, Hancorp đầu tư dở dang gần 980 tỉ đồng tại các dự án khu Ngoại giao đoàn; Khu dân cư Nhơn Trạch, Đồng Nai (31 tỉ đồng); dự án Times Tower Lê Văn Lương (31 tỉ đồng); 2 dự án Quế Võ (167 tỉ đồng) và dự án Khu đô thị Cao Xanh, Hà Khánh B (30 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng tồn kho của Hancorp còn có hơn 900 tỉ đồng dở dang tại một số công trình xây lắp như Khu biệt thự thấp tầng tại Vinhomes Ocean Park, Trung tâm thương mại Vincom Huế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn