MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ma túy tổng hợp nhập vào Việt Nam qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Hàng cấm vào Việt Nam qua đường thương mại điện tử xuyên biên giới

Thế Lâm LDO | 22/02/2019 18:09
Trường hợp các shop rao bán thiết bị, phụ kiện lắp ráp súng bắn đạn bi và đạn thạch anh trên Lazada.vn có xuất xứ từ Trung Quốc, Hồng Kông đang đặt ra cảnh báo: Nhiều mặt hàng cấm, hàng lậu đã và đang lọt vào Việt Nam thông qua con đường thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.

Mở rộng bán hàng xuyên biên giới...

Từ cách đây 3-4 năm trước, Lazada.vn chính là sàn TMĐT cung cấp dịch vụ mua hàng quốc tế, tức là đặt mua từ nguồn hàng nước ngoài được rao bán trên sàn này. Đơn hàng sẽ được vận chuyển vào Việt Nam thường từ 2-3 tuần.

Sau đó, sàn TMĐT Zalora, khi đó còn thuộc tập đoàn Rocket Internet của Thụy Điển (sau này được bán lại cho Central Group của Thái Lan và đổi tên thành Robins.vn), cũng triển khai dịch vụ mua sắm quốc tế chuyên về hàng thời trang với nguồn từ Singapore.

Về phương thức, mua hàng quốc tế trên Lazada.vn hay Zalora.vn trước đây cũng không khác với cách mua hàng trên Amazon hay Alibaba. Sự khác nhau cơ bản nhất là qui định pháp luật về hàng hóa dịch vụ lưu hành trên thị trường tại mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, theo qui định, những loại súng đồ chơi bắn bằng đạn bi sắt hay thạch anh có thể gây sát thương sẽ bị cấm. Tuy nhiên, một số quốc gia có qui định khác hơn. Chính vì thế, các shop ở nước ngoài vẫn cung cấp những mặt hàng đó, nhưng khi rao bán trên Lazada.vn hay Shopee.vn các loại súng bắn đạn bi, súng chích điện… lại không phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Vấn đề phụ thuộc vào sự kiểm soát của doanh nghiệp chủ sàn, nếu không từ chối hoặc soát xét để ngăn chặn thì những đơn hàng cấm sẽ được đóng kiện và gửi về Việt Nam.

Chuyển phát nhanh cả hàng cấm, hàng lậu

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2018, các điểm nóng chuyển hàng cấm, hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở các sân bay, bưu điện và cả những kiện hàng được chuyển phát nhanh từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thiết bị lắp ráp súng rao bán từ nước ngoài vào Việt Nam qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Và súng nhập vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Các điểm nóng trong năm 2018 như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; các bưu điện Hà Nội và TP.HCM; chuyển phát nhanh qua các hãng DHL, Fedex… Lực lượng Hải quan đã phát hiện và bắt giữ tổng cộng 632 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 92 tỉ đồng, bao gồm những sản phẩm như vàng, điện thoại, vũ khí súng ống, ma túy, thuốc lá, mỹ phẩm…

Nhiều kiện hàng lậu, hàng cấm nhập vào Việt Nam qua đường hàng không chuyển phát nhanh lợi dụng chiêu bài quá cảnh, tạm nhập tái xuất nhưng trên thực tế điểm đến là nơi nhận tại Việt Nam.

Trong năm 2018, lực lượng chức năng đã phá đường dây nhập súng đồ chơi nhưng lại có tính sát thương vì bán bằng đạm bi sắt. Đối tượng nhập về ở tỉnh Thái Bình, sau đó chuyển phát đi nhiều tỉnh thành cho khách mua để kiếm lời. Một trường hợp khác chuyển phát nhanh gần 10kg ma túy tổng hợp với loại viên nén màu hồng hình trái tim, được gửi từ Bỉ về Việt Nam có người nhận địa chỉ tại Hải Phòng.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 300 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bưu chính, chuyển phát cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên các kiện hàng cấm chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, thường được thông qua dịch vụ của các tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế hoặc nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn