MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong số rất nhiều máy móc, thiết bị tại các cơ sở gỗ đã bị niêm phong, cấm sản xuất. Ảnh: Đ.A

Hàng chục doanh nghiệp gỗ kêu cứu

Đông Anh LDO | 05/06/2017 07:04
Gần 50 doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến gỗ tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã kêu trời khi bị UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tréo ngoe ở đây, căn cứ mà chính quyền xử phạt lại… chọi nhau chan chát, khiến DN bị phạt không tâm phục, khẩu phục…

Bị đình chỉ hoạt động vì… chưa có “bản kế hoạch bảo vệ môi trường” (?)

Từ ngày 2.3 đến ngày 28.4.2017, đoàn kiểm tra liên ngành phường Long Bình và TP. Biên Hòa đã tổ chức kiểm tra 51 DN, cơ sở chế biến sản phẩm từ gỗ tại tổ 24, 25 và 26, thuộc khu phố 8 trên địa bàn phường. Đây là làng chế biến gỗ sầm uất, hình thành hơn chục năm nay. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 50/51 DN, cơ sở trên. Đồng thời, lập biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất với 45/51 DN, cơ sở.

Trong số đó, có 11/51 DN, cơ sở bị đoàn kiểm tra áp dụng hình thức “xử phạt bổ sung” là “đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 6-9 tháng”… Đơn cử 3 cơ sở bị UBND TP. Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính bằng tiền gồm: Hoàng Văn Khương (35 triệu đồng), Trịnh Phúc Diễn (39 triệu đồng) và Phạm Thị Lê Huyền (39 triệu đồng). Ngoài hình thức phạt tiền trên, các hộ trên còn bị “đình chỉ hoạt động sản xuất mộc gia dụng, các hoạt động sản xuất từ gỗ”...

Ông Hoàng Văn Khương bức xúc phản ánh: “Cơ sở chúng tôi sản xuất nhỏ, theo kiểu gia đình, 5-7 anh em biết nghề mộc xúm nhau làm nghề kiếm sống… Chúng tôi làm đã nhiều năm rồi, có cơ quan, cán bộ nhà nước nào tới hướng dẫn làm “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”…? Bất ngờ, đoàn kiểm tra xuống kiểm tra và cho rằng, thiếu “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, vi phạm Nghị định 155… Thế là bị phạt; hơn thế, bị cấm hoạt động 9 tháng. Khổ quá, từ ngày bị cấm hoạt động, tôi phải đi làm thuê, anh em tản mát, nhiều đơn hàng trót nhận trước đây, không thể làm, phải bồi thường hàng chục triệu đồng…”.

Tương tự, ông Trịnh Phúc Diễn cũng cho biết, cơ sở của ông quy mô nhỏ, “bản thân tôi chẳng biết gì về “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, nên khi họ bảo vi phạm, tôi đành chịu, ký đại… Nhưng bị phạt hàng chục triệu đồng, lại còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, tôi tức lắm. Thà cán bộ xuống tuyên truyền, chúng tôi biết mà không thực hiện, bị phạt là đúng. Đằng này, không tuyên truyền, chẳng hướng dẫn, đột ngột xuống kiểm tra bảo vi phạm, phạt… Như vậy là không công bằng”…

Nghị định “chọi” nhau với luật, DN lãnh đủ

Bà Phạm Thị Lệ Huyền - đại diện DN tư nhân Đại Trường Thịnh - cho biết: “DN tôi bị phạt 60 triệu đồng, kèm theo máy móc bị niêm phong và bị đình chỉ sản xuất 6 tháng, vì “không có bản bảo vệ môi trường” - vi phạm điểm d, khoản 2, Điều 11, chương II, Nghị định số 155/2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thật kỳ lạ, Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1.2.2017. Đây là nghị định rất mới, DN chưa được tuyên truyền, phổ biến, thậm chí không biết…

Hơn nữa, chưa cơ quan nhà nước nào xuống hay mời, để hướng dẫn DN thực hiện “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”. Chúng tôi chưa biết cái “bản kế hoạch bảo vệ môi trường” gồm nội dung gì nữa thì làm sao thực hiện? Lẽ ra, các DN, cơ sở phải được chính quyền, cơ quan chức năng hướng dẫn xây dựng “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, đơn vị nào sau đó không thực hiện, mới xử phạt chứ.

Ở đây, DN không hay biết. Nghị định 155 có hiệu lực tháng 2, thì tháng 3 xuống kiểm tra, quy kết vi phạm, phạt, đình chỉ… Làm vậy khác nào “đánh úp” DN ?”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh - Trưởng Văn phòng luật sư Hãng Hưng Yên: “Việc UBND TP. Biên Hòa đình chỉ hoạt động các DN, cơ sở gỗ dựa trên điểm b, khoản 6, Điều 11, Nghị định 155 là trái với quy định của khoản 2, Điều 25, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, luật chỉ quy định đình chỉnh hoạt động của tổ chức, cá nhân có thời hạn, khi hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

Ở đây, các DN, cơ sở chưa có “bản kế hoạch bảo vệ môi trường”, thì không thể nào gây ra hậu quả nghiêm trọng tới môi trường… Chỉ hành vi xả thải, không xử lý chất thải mới gây ra hậu quả trên. Do đó, việc Nghị định 155 - văn bản dưới luật - quy định đình chỉ hoạt động của DN, là trái với Điều 25 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa - xác nhận: “Hầu hết các cơ sở đã kiểm tra đều hoạt động với quy mô hộ kinh doanh. Theo quy định tại Nghị định 155 của Chính phủ thì các cơ sở này không bị áp dụng đình chỉ hoạt động với hình thức niêm phong, nên vẫn tiếp tục hoạt động và có khả năng gây ô nhiễm môi trường” (?). Nhưng trên thực tế, các hộ Hoàng Văn Khương, Trịnh Phúc Diễn, Phạm Thị Lệ Huyền… vẫn bị đình chỉ hoạt động.

Mặt khác, tại sao cơ quan chức năng chưa hề xuống hướng dẫn các cơ sở thực hiện “bản kế hoạch bảo vệ môi trường” đã xuống kiểm tra, xử phạt theo Nghị định 155; trong khi Nghị định 155 mới có hiệu lực… 1 tháng? Tất cả những câu hỏi này, ông Long không trả lời thỏa đáng, càng khiến nhiều DN, cơ sở chế biến gỗ phường Long Bình không tâm phục, khẩu phục…

Cách đây không lâu, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đã khẳng định DN tư nhân nhỏ và vừa là thành phần kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Thế nhưng ở đây, việc đối xử với hàng chục DN, cơ sở gỗ như thế này của chính quyền TP. Biên Hòa cho thấy chưa hợp tình, hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn