MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn kiến nghị của Hội DN Hương Khê vì quy định của thông tư 04. Ảnh: P.V

Hàng chục ngàn m3 gỗ nhập khẩu bị ùn ứ, tiếp tục bị “làm khó”

L.C.Công LDO | 01/06/2017 18:15
Hội Doanh nghiệp (DN) gỗ Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) vừa có đơn gửi Chính phủ và các bộ, ngành nêu rõ những khó khăn, bất cập từ khi Thông tư 04/2017 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NNPTNT) có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư 04/2017 của Bộ NNPTNT có hiệu lực từ ngày 10.4.2017 ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Trong đó, có gỗ trắc, hương, cẩm lai... Trả lời báo chí, ông Trần Phát Đạt - Chủ tịch Hội DN Hương Khê bức xúc cho rằng: “Thông tư 04 quy định các lô gỗ trắc, cẩm lai… muốn xuất khẩu thì phải xin giấy chứng nhận Cites.

Tuy nhiên, hiện những lô gỗ trắc, hương, cẩm lai của các DN Hương Khê được nhập khẩu về từ 3 - 4 năm nay, hồ sơ hợp pháp, đã thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, thời điểm nhập không bị hạn chế bởi Cites. Thế nên việc bắt buộc phải xin thêm chứng chỉ Cites của cơ quan quản lý tại Việt Nam là vô lý”.

Ông Đạt cũng chỉ rõ bất cập từ Thông tư 04 ở chỗ, công ước Cites có các quy định để quản lý, bảo vệ động/thực vật có nguy cơ tuyệt chủng tại gốc, ngay nước sở tại. Còn đối với những lô gỗ Lào đã được nhập về Việt Nam hợp pháp từ lâu đã là hàng hoá lưu thông trên trên thị trường thì áp dụng Cites là không phù hợp.

Với quy định của Thông tư 04, hiện nay các DN cứ xuất bán các mặt hàng gỗ nói trên, nhiều hay ít cũng phải chạy ra Hà Nội gặp Bộ NNPTNT xin chứng chỉ thì Hải quan mới cho thông quan. Quy định đó đã tạo ra “vướng mắc” khiến hiện nay tại huyện Hương Khê nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung đang tồn đọng hàng chục nghìn m3 các loại gỗ trắc, cẩm lai…

Ông Đạt cho rằng, gỗ nhập khẩu về có nguồn gốc từ Lào, nước Lào không cấp giấy phép Cites nhưng khi DN Việt Nam xuất hàng lại buộc phải có Cites thì có đúng không. Nếu bắt buộc có giấy phép này thì đề nghị các cơ quan hữu quan phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và phải cấp tại cửa khẩu hoặc tại địa bàn có DN chứ không thể cấp ở Hà Nội, bất tiện và tốn kém cho DN.

Một cán bộ ngành Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, gỗ các DN Hương Khê nhập về cách đây mấy năm có hồ sơ đầy đủ theo quy định, thời điểm đó không bị hạn chế bởi Cites; nay Thông tư 04 có hiệu lực lại phải có thêm giấy phép mới được xuất bán ra sẽ tạo thêm khó khăn cho DN. “Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có trả lời và điều chỉnh để sớm giải cứu các DN gỗ vốn đã khó khăn, thoát khỏi nguy cơ phá sản bởi quy định hành là... chính này” - một quan chức (đề nghị giấu tên) nói.

Các hiệp hội DN nhập khẩu gỗ ở Quảng Trị, Quảng Bình cũng đồng loạt phản ánh đến cơ quan công quyền địa phương và báo chí về “giấy phép con” Cites đối với gỗ đã nhập khẩu vào nội địa và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật là một động thái ‘làm khó” đối với DN. Theo phản ánh, tình trạng số lượng lớn gỗ nhập khẩu đã tồn đọng nhiều năm do thị trường tiêu thụ, xuất khẩu không còn như trước, giá cả xuống thang liên tục đã, đang đẩy nhiều DN nhập khẩu gỗ vào tình trạng rất khó khăn, đặc biệt là các DN liên quan đến tín dụng ngân hàng. L.CH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn