MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành dệt may đang nỗ lực cơ cấu lại, chuyển hướng sản xuất "xanh". Ảnh: TL

Hàng dệt may vào thị trường Châu Âu phải có tuổi thọ cao, tái chế được

Vũ Long LDO | 01/04/2022 14:27

Ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường Châu Âu.

Yêu cầu "xanh" đối với sản phẩm dệt may tiêu thụ tại Châu Âu (EU)

Theo thông tin mới nhất, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này.

Quy định mới của EC yêu cầu hàng dệt may vào thị trường Châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Quy định sinh thái của EC cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

 Nỗ lực "xanh hóa" ngành dệt may vì lợi ích toàn cầu

Về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường cao cấp, trong đó có thị trường EU, trong những năm gần đây, ngành dệt may đang không ngừng cơ cấu lại, đổi mới công nghệ và chú trọng vấn đề nguồn gốc nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất "xanh".

Thị trường EU đòi hỏi rất cao về sản phẩm tiêu thụ tại khu vực. Ảnh: Ngọc Hân

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong một báo cáo gần đây thì dệt may là một trong những ngành có cơ hội sớm cải thiện được vấn đề carbon và môi trường. Xu hướng ưa chuộng sản phẩm được sản xuất từ sản xuất xanh ngày càng phát triển. Người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ hoặc EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất phải sạch hơn và hàng hoá thân thiện với môi trường hơn. 

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Ðức Giang cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển đổi sản xuất, đáp ứng cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của Châu Âu, trong đó có Luật Thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023, yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đa số doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch VITAS nhấn mạnh: “Xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA).

"Nhìn nhận vấn đề "xanh hóa” từ rất sớm và với nỗ lực trong nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đang tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai chiến lược này" - ông Trương Văn Cẩm nói.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho hay, hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Đây cũng chính là mục tiêu mà May 10 đang tập trung triển khai.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú – một trong những doanh nghiệp sớm “xanh hóa” và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất – cho biết, Phong Phú đang ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất. Ứng dụng ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu ít ảnh hưởng đến môi trường. 

*Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

*Hãng thời trang H&M, một nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam đã có cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hoà các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp, và các nhà cung cấp của các nhà cung cấp của họ (ví dụ nhà máy sản xuất vải, chế biến vải, sản xuất sợi) vào năm 2030.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn