MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thực phẩm giảm mạnh hỗ trợ chỉ số giá tiêu dùng tháng 10.2021 giảm 0,2% so với tháng trước. Ảnh minh họa: Vũ Long

Hàng hóa giảm nhiệt kéo chỉ số giá tiêu dùng tháng 10.2021 giảm

Vũ Long LDO | 29/10/2021 10:47

Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng năm 2021 tăng thấp nhất trong vòng 5 năm; trong khi đó chỉ số tháng 10.2021 giảm 0,2% so với tháng trước do giá hàng hóa giảm.

Sáng 29.10, công bố về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết: 10 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Phân tích về chỉ số giá tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh: Bước sang tháng 10.2021, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10.2021 giảm 0,2% so với tháng trước.

Tuy nhiên, trong tháng 10.2021, chỉ có 3 nhóm hàng hóa giảm giá, nhưng có đến 8 nhóm hàng hóa tăng giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,28% do nguồn cung dồi dào kéo giá thịt lợn và giá gạo giảm lần lượt là 9,38% (thịt lợn) và giảm 0,25% (gạo).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26%, chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19; cùng với đó, giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt giảm do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm so với tháng trước. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, chủ yếu ở giảm giá ở các mẫu cũ của điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động.

Nguồn: TCTK 

Trong 8 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất chủ yếu do các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu; nhóm giáo dục tăng do dịch vụ giáo dục tăng, một số địa phương tăng học phí mầm non, học phí đại học dù một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.

Cùng với đó, giá tiêu dùng tháng 10.2021 của nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm thuốc và dịch vụ y tế... cũng tăng so với tháng trước.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 10.2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10.2021 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn