MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung thực phẩm dồi dào, người dân yên tâm cách ly xã hội, không cần tích trữ. Ảnh: Kh.V

Hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cách ly đủ dùng trong 3 tháng

Khánh Vũ LDO | 02/04/2020 13:59

Để phục vụ người dân yên tâm thực hiện cách ly toàn xã hội, các tỉnh, thành phố đã chủ động nguồn hàng đủ dùng trong 3 tháng, đề phòng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn.

Chủ động nguồn hàng theo phương án 3

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai phương án 3 tương ứng với cấp độ 3 của dịch bệnh về việc đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ khu vực bị cách ly, với số lượng hàng hóa dự trữ trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Hiện nay, hệ thống kinh doanh bán lẻ trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ khoảng 194 nghìn tỉ đồng, đảm bảo cung ứng cho người tiêu dùng đủ dùng tối thiểu trong 3 tháng của quý II/2020 với 17 mặt hàng thiết yếu.

“Sở Công Thương đã có văn bản giao cụ thể lượng dự trữ hàng hóa cho các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn, khuyến khích doanh nghiệp dự trữ cao hơn lượng hàng hóa phân bổ của thành phố. Trong bất kỳ tình huống nào, thành phố vẫn đảm bảo nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu, người dân không cần tích trữ” – bà Trần Thị Phương Lan nói.

TPHCM cũng đã chủ động lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân yên tâm cách ly xã hội. Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp tăng công suất sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được chuẩn bị sẵn sàng với mức tăng 30% - 50%.

“Các doanh nghiệp cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân đến hết quý II/2020, kể cả trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn”- bà Lý Kim Chi cho biết.

Các tỉnh, thành phố cả nước đã chủ động phương án để đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu khác trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Ngoài việc dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các doanh nghiệp đều có kho dự trữ riêng với sức chứa lớn để chủ động nguồn hàng.

Hàng hóa đầy ắp trong siêu thị. Ảnh: Kh.V

Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tăng lượng hàng hóa dự trữ gấp từ 3-5 lần, đồng thời sẵn sàng phương án mở thêm các kho chứa để tăng lượng hàng dự trữ.

Năng lực sản xuất lớn, đảm bảo nhu cầu lâu dài

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), về lương thực, ước tính sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn (dư thừa để xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn).

Nguồn tin từ Bộ NNPTNT cũng cho biết, năm 2020, thịt gia cầm đạt 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn, thịt lợn khoảng 4 triệu tấn. Bên cạnh đó, còn lượng thịt nhập khẩu từ các nước. Tính đến ngày 27.3.2020, Việt Nam đã nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo Bộ NNPTNT, diện tích rau màu khoảng 980 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn; sản lượng ước đạt trên 13,3 triệu tấn, tăng khoảng 0,8 triệu tấn; lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị người dân yên tâm thực hiện cách ly xã hội. “Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm” – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – ông Trần Duy Đông cho biết.

Theo Bộ Công Thương, ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD (trong đó: Trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu ước đạt 3.500 triệu USD, trị giá nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc ước đạt 850 triệu USD), trị giá thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD. Như vậy kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6.235 triệu USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn