MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng hàng hóa, rau quả tại siêu thị Saigon Co.opmart (TPHCM) dồi dào. Ảnh: Tấn Thanh

Hàng hóa thiết yếu, giá cả tại một số nơi có dịch đã ổn định trở lại

Vũ Long LDO | 10/07/2021 21:12

Bước sang ngày thứ 2 thực hiện giãn cách, thị trường hàng hóa tại TPHCM đã ổn định trở lại, không có tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Nguồn hàng hóa thiết yếu đã được cung ứng thông suốt trở lại

Chiều tối 10.7, thông tin tới PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Saigon Co.op đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ và kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị.

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đã tăng lượng dự trữ nhằm bảo đảm sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang vải sát khuẩn.

“Lượng dự trữ của tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3-5 lần. Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách. Tại các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ hạn chế di chuyển… để bảo đảm an toàn” – ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng, lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do “tâm lý đám đông” nên lượng khách dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.

Có thể nói, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.

“Từ kinh nghiệm trong việc phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, không nên mua sắm dồn dập sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn” – ông Nguyễn Anh Đức nêu ý kiến.

Được biết, hiện tại không còn tình trạng người dân ồ ạt đến siêu thị mua hàng tích trữ, bởi tâm lý người dân ổn định hơn, nguồn hàng đổ về cũng nhiều hơn. Theo Sở Công Thương TPHCM, tại một số chợ truyền thống, các quầy hàng thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động bình thường, ít người bán hơn trước, nên giá có tăng hơn. Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm chế biến khác đầy đủ, giá ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail, hệ thống siêu thị Big C, GO! đã chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

“Đối với dự trữ, Big C và hệ thống siêu thị GO! đã chuẩn bị sẵn sàng và chúng tôi có một kho dự trữ lớn cho các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, do lượng đơn hàng online đang tăng đột biến nên chúng tôi đã tăng cường thêm nhân viên giao hàng để phục vụ khách hàng. Big C và GO! cũng đang áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ người dân tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay” – bà Nguyễn Thị Bích Vân thông tin thêm.

Theo Bộ Công Thương, việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... tại TPHCM đã trở lại bình thường.

Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, làm nhiễu loạn thị trường

Theo thông tin từ Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 10.7, các xe hàng vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh được phân luồng ưu tiên nên việc vận chuyển dễ dàng và nhanh hơn.

Lượng rau xanh tại các siêu thị được bổ sung dồi dào hơn, giá ổn định. Ảnh: Tấn Thanh

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, tại tỉnh Bình Dương, sau 1 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, đến nay, tình hình thị trường tương đối ổn định.

Tại các địa phương khác đến nay đã chủ động về nguồn cung, thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cũng như các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, không có tình trạng tích trữ hàng hóa, thổi giá gây "sốt" giá ảo để trục lợi.

Đến tối 10.7, các cục quản lý thị trường địa phương chưa phát hiện, xử phạt trường hợp nào có hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn