MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành kim loại trong đó có ngành hàng sắt thép của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ảnh minh họa: TL.

Hàng hóa Việt Nam đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng

Thế Lâm LDO | 19/11/2021 15:44

Doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn trước các vụ kiện phòng vệ thương mại có khả năng gia tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhiều quốc gia, thị trường có xu hướng tăng cường bảo hộ hàng hóa và chuỗi cung ứng của họ.

Kiện phòng vệ thương mại có thể gia tăng

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương – cho biết, nhiều quốc gia một mặt dỡ bỏ rào cản, một mặt áp dụng chính sách nhất định để bảo vệ nền kinh tế trong nước.

“Đặc biệt là sự tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ chuỗi cung ứng qua đó để bảo đảm vị thế của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thái cho biết thêm.

Ngày nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đã khác trước đây rất nhiều. Các hình thức, phương thức tham gia vào chuỗi cung ứng phức tạp hơn, đơn cử như  thiết lập chuỗi cung ứng nghiên cứu, chế tạo và sản xuất liên kết nhiều quốc gia.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tổng cộng hơn 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương với gần 60 đối tác. Tuy nhiên, có những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, thì lại thiếu tính ổn định vì Việt Nam và Mỹ chưa có quan hệ hiệp định đối tác thương mại tự do. Vì thế, rủi ro xảy ra là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dễ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong thời gian tới, với bối cảnh đại dịch COVID-19 làm tăng chi phí vận chuyển lưu thông hàng hóa (logistics), đặc biệt là chi phí container, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nước sẽ đặc biệt tăng cường các biện pháp bảo vệ chuỗi cung ứng của họ.

Một số biện pháp phòng vệ thương mại được các nước và khối nước dựng lên có tính chất hoàn toàn mới, có thể gây thêm nhiều khó khăn cho các loại hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Có thể bị kiện ở bất cứ thị trường nào, ngành hàng nào

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, về mặt ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại nước ngoài, doanh nghiệp cũng như các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã có thuận lợi hơn khi được trang bị, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm sau vụ kiện chống bán phá giá cá ba sa của Việt Nam tại Mỹ từ năm 2002.

Cũng theo bà Trang, các hiệp hội doanh nghiệp thủy sản, sắt thép, dệt may, da giày… đã có sự chuẩn bị giúp mang lại hiệu quả nhất định trong các vụ kháng kiện ở nước ngoài. Thậm chí, nhà xuất khẩu Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nhập khẩu mang lại lợi ích về kỹ thuật cũng như sự vận động chính sách liên quan tại nước sở tại.

Theo số liệu bà Trang đưa ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã đối mặt với 204 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó phần lớn là kiện chống bán phá giá. Từ 2017 đến nay, tỉ lệ vụ kiện chiếm 45-46% hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, tương ứng với xu hướng bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu từ thời điểm này.

“Vấn đề là doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam cần ứng phó, chuẩn bị sâu các dữ liệu hơn, chứ không chỉ còn là phòng tránh như trước”, bà Trang nói.

Theo xu hướng, nhiều nước gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào. Thậm chí gần đây, các nước xung quanh Việt Nam trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á cũng tăng cường kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, cụ thể là chiếm 40 trên tổng số 204 vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn