MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng loạt cơ sở karaoke tại TPHCM đứng trước nguy cơ phá sản

ANH TÚ - NGỌC ÁNH LDO | 23/02/2023 11:18

TPHCM - Hơn chục tỉ đồng là con số mà rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh Karaoke tại TPHCM phải bỏ ra để sửa sang lại phòng, đảm bảo yêu cầu PCCC theo đề nghị của cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay, nhiều cơ sở vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền xuống kiểm tra, phê duyệt để được hoạt động trở lại.

Tại phố karaoke Sư Vạn Hạnh (Quận 10), nhiều quán hát cũng đã ngừng hoạt động. Trong ảnh một quán karaoke đã trả mặt bằng, chủ nhà đã treo biển mời thuê. Ảnh: Anh Tú

Rơi vào thế bí

Nhiều chủ kinh doanh karaoke cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh karaoke được phép mở lại thì thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy trên địa bàn cả nước khiến các cơ quan chức năng siết chặt hơn về các quy định PCCC. Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke cũng ý thức hơn về trách nhiệm của mình nên nghiêm túc thực hiện các quy định về PCCC và cũng tiến hành sửa chữa, khắc phục theo những đề nghị của cơ quan ban ngành.

Theo ông Huỳnh Văn Cường (chủ quán Karaoke Star trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp), trước khi đi vào hoạt động  nhiều cơ sở của ông Cường cũng đã đảm bảo được các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy và đã được thẩm định trước đó. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu cải tạo, sửa chữa lại theo Thông tư 147/2020/TT-BCA bao gồm: lắp đặt hệ thống liên động, hệ thống báo cháy, hệ thống hút khói, buồng thang đóng kín, lối thoát hiểm, có phương án PCCC tại chỗ..., cơ sở cũng khắc phục xong, phía quận tổ chức kiểm tra và không có yêu cầu gì thêm. Dù vậy, hiện tại quán karaoke vẫn đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Quán karaoke Star, ngoài đầu tư đầy đủ hệ thống PCCC, quán còn có  thang thoát hiểm bên ngoài và phía trong tòa nhà để đảm bảo an toàn cho khách và nhân viên trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra. Ảnh: Anh Tú

Bên cạnh đó, quy định về PCCC thay đổi thường xuyên khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt, một số quy định khó áp dụng vào thực tế.

Ông Cường cũng chỉ ra trong văn bản trả lời mới nhất của PC07 về đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC, tại điều 1, có nói, vì quán của ông xây dựng trên đất có mục đích sử dụng là nhà ở riêng lẻ, nên phải liên hệ cơ quan xây dựng có thẩm quyền để có ý kiến về sự phù hợp mục đích sử dụng nhà với công năng hoạt động của công trình.

Theo ông Cường, muốn làm được việc này, doanh nghiệp phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành đất thương mại dịch vụ, nghĩa là phải chuyển đổi công năng quyền sử dụng đất. Tuy vậy, việc chuyển đổi này phải tùy vào vị trí chuyển đổi cũng như phải phù hợp với quy hoạch chung, nên doanh nghiệp rơi vào thế bí khi không tìm được đơn vị nào có chức năng xác nhận vấn đề đó.

Hầu hết các vật liệu dễ cháy trước đó được chủ cơ sở tháo dỡ, thay bằng các vật liệu chống cháy khác theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ảnh: Anh Tú

Tương tự, ông Nguyễn Quế Sơn (đại diện hệ thống karaoke iCool) cho biết: "Phía PC07 Công an TPHCM đang yêu cầu thẩm duyệt lại toàn bộ các cơ sở karaoke trên địa bàn theo quy chuẩn mới. Nhưng nghịch lý là, dù quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC mất nhiều tháng nhưng cán bộ quận đi kiểm tra lại yêu cầu quán karaoke ICool phải xin thẩm duyệt lại trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ thu hồi giấy phép hoạt động".

Theo ông Cường, không riêng gì quán của ông mà hiện tại, trên địa bàn quận Gò Vấp, có đến hơn 30 quán karaoke cũng rơi vào tình cảnh tương tự. 

Như nhiều cơ sở kinh doanh karaoke khác trên địa bàn TPHCM, ông Lê Hoàng Quân (đại diện quán karaoke Táo Đỏ) cho biết: “Sau khi được hướng dẫn phải sử dụng vật liệu không cháy và khó cháy thì quán Táo Đỏ đã chấp hành nghiêm túc bằng việc tháo gỡ hết tất cả những vật liệu trang trí ban đầu chỉ còn lại mỗi mảng tường thô sơ được trang trí bằng sơn nước - kiểu thiết kế đã từ hơn chục năm về trước. Nhưng sau khi tháo gỡ và sửa sang xong, đến giờ gần 2 tháng nhưng vẫn bị đình chỉ hoạt động không rõ lý do”.

Quán karaoke Táo Đỏ thay đổi kiến trúc . Ảnh: Anh Tú

Bán nhà, cầm cố tài sản để chờ một cơ hội

Ông Cường cho biết: Hiện tại hệ thống karaoke của ông có 5 cơ sở, hầu hết đều nằm trong quận Gò Vấp. Cả 5 cơ sở này tôi đều phải đi thuê mặt bằng, căn thuê rẻ nhất 135 triệu đồng/tháng, căn thuê cao nhất đã 380 triệu đồng/tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở thuộc hệ thống karaoke Star sau khi sửa chữa, đã tiêu tốn hơn 12 tỉ đồng.

Gần nửa năm không có khoản thu nào từ hoạt động kinh doanh karaoke, nhiều chủ cơ sở đã phải chấp nhận bán nhà, cầm cố tài sản, vay mượn người thân, bạn bè chỉ để có thể gắng gượng, chờ được ngày mở cửa trở lại. “Đợt dịch vừa rồi, tôi đã bán 1 căn nhà nhỏ để gồng gánh quán và nuôi nhân viên. Đến đợt này, tôi lại phải tiếp tục bán tiếp 2 căn nữa nhưng chi phí vận hành quá lớn, nếu tình trạng này còn kéo dài, tôi sợ trong tháng tới, mình sẽ phải đóng đi 1 - 2 cơ sở, trả mặt bằng chứ không gắng gượng được nữa", anh Cường trải lòng.

Nhiều chủ quán karaoke tại TP.HCM đã bỏ hàng tỉ đồng tiền đầu tư, sửa chữa mong sớm ngày được mở cửa trở lại. Ảnh: Anh Tú
 Các thiết bị không đảm bảo theo quy định PCCC được tháo dỡ chất đống, tiêu tốn hàng tỉ đồng của chủ đầu tư. Ảnh: Anh Tú

Bà Phan Thị Liên (chủ quán Karaoke Dubai) cho biết, suốt mấy tháng qua cũng "đau đầu vì không biết lấy tiền ở đâu ra để trả tiền thuê nhà và trả lương cho nhân viên". "Bây giờ trả nhà cũng không được, vì cả gia tài tôi đều đổ vào đây hết rồi, nhà cửa cũng cầm ngân hàng để đầu tư vào đây, nên cũng mong mỏi nhà nước tháo gỡ, để doanh nghiệp có lối thoát", bà Liên bày tỏ

Hiện tại, nhiều chủ cơ sở karaoke trên địa bàn TPHCM bảy tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm xem xét đối với những quán karaoke đã có thẩm duyệt, nghiệm thu đầy đủ giấy tờ (PCCC, An ninh trật tự, Giấy phép hành nghề, thẩm duyệt nghiệm thu) và đã sửa sang lại theo như Thông tư 147 thì sớm được phép hoạt động trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn