MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giày, túi xách... nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất (Ảnh minh hoạ).Ảnh: Hải Nguyễn

Hàng loạt giải pháp nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế

Đặng Tiến - Cẩm Văn LDO | 29/02/2020 08:06
Kết luận cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng. Phải hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Chỉ đạo này đã được các bộ, ngành, doanh nghiệp quán triệt xuyên suốt với nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế.

VCCI: Hàng loạt giải pháp được đề xuất

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phải thừa nhận, dịch bệnh COVID- 19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay (năm 2020) khó đạt mục tiêu đề ra bởi một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, như ngành Du lịch-Dịch vụ, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp…

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp buộc đổi mới, tìm ra hướng đi mới nếu không muốn bị phá sản, giải thể. Cần phải thấy được nguyên nhân lớn nhất là do tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế và các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, hiện khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách nước ngoài tới Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 35% kim ngạch, linh kiện phụ tùng cho các ngành Dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50-60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được” - ông Lộc nói.

Từ phân tích nguyên nhân, ông Lộc cho rằng, tới đây Chính phủ vẫn cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng, cố gắng đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây là nền tảng và định hướng quan trọng nhất cho nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành.

“Để tháo gỡ khó khăn, chúng ta phải tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Rà soát giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho các dự án lớn cả trong khu vực công và tư hay đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc các hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Tiếp tục cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ doanh nghiệp hoán đổi mã vật tư nguyên liệu để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch cúm. Giãn, hoãn và trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm để đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng” - ông Lộc đề xuất một loạt giải pháp.

Ngân hàng giảm lãi vay

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong lúc chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các ngân hàng xem xét triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo văn bản số 1117 vừa được cơ quan này ban hành ngày 24.2 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Văn bản nêu rõ hiện nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng).

Theo đó, để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11 năm 2020, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch COVID-19.

Từ đây thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 và đến ngày 31.3.2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Đồng thời cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Về mức hỗ trợ và miễn giảm cụ thể, theo hướng dẫn của NHNN, các tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng... “Tất cả nhằm thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là “biến nguy thành cơ” - lãnh đạo NHNN khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn