MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng loạt khu công nghiệp ở Bình Thuận chờ đón nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh

Duy Tuấn LDO | 05/04/2024 17:37

Bình Thuận - Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 9 Khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời gian qua, chủ đầu tư hạ tầng các KCN tập trung xây dựng hạ tầng và kêu gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong số 9 KCN, có KCN Phan Thiết giai đoạn 1 được thành lập năm 1998 với diện tích 68,36ha. Đến nay, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và Khoáng sản Bình Thuận đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê.

Một góc khu công nghiệp Phan Thiết. Ảnh: Duy Tuấn

KCN Phan Thiết giai đoạn 2 với diện tích 40,70ha, đến nay Công ty TNHH Thép Trung Nguyên đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy diện tích đất cho thuê.

Cách KCN Phan Thiết khoảng 13km là KCN Hàm Kiệm 1 nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam được thành lập từ năm 2009 với diện tích 132,67ha. Công ty Cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ Địa Ốc Hoàng Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 43,04%.

Một góc khu công nghiệp Hàm Kiệm II tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 với diện tích là 402,06ha do Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Tân làm chủ đầu tư hạ tầng nhưng hiện nay tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ mới đạt 28,03%.

Công nhân sản xuất trong một doanh nghiệp ngành giày trong KCN Hàm Kiệm II. Ảnh: Duy Tuấn

Ngược ra hướng Bắc của tỉnh Bình Thuận là KCN Sông Bình thuộc huyện Bắc Bình được thành lập từ năm 2013 với diện tích 300ha do Công ty Cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 29,61%.

KCN Sông Bình. Ảnh: Duy Tuấn

KCN Tuy Phong nằm trên địa bàn huyện Tuy Phong được thành lập từ năm 2013 với diện tích 150ha do Công ty Cổ phần Tân Đại Tiền Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, KCN này chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.

Khu công nghiệp Tuy Phong. Ảnh: Duy Tuấn

KCN Tân Đức ở huyện Hàm Tân được thành lập năm 2021 với diện tích 300ha do Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, chủ đầu tư đang thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp.

Nằm ở gần cuối hướng Nam của tỉnh Bình Thuận là KCN Sơn Mỹ 1 thuộc huyện Hàm Tân với diện tích 1.070ha. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp.

Phối cảnh KCN Sơn Mỹ 1 hình thành trong tương lai gần. Ảnh: UBND Bình Thuận

Cuối cùng, KCN Sơn Mỹ 2 với diện tích 468,35ha. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Đông Sài Gòn đang chuẩn bị triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp.

Trước tình hình nhiều KCN còn trống diện tích khá nhiều, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận thường tổ chức gặp gỡ, làm việc, kết nối với các tổ chức đầu mối có chức năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, kêu gọi đầu tư vào các KCN ở Bình Thuận. Bình Thuận luôn đồng hành cùng doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp đầu tư và yên tâm hoạt động sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn