MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp mong nhận được nhiều hỗ trợ giải quyết những vướng mắc liên quan đến tài chính. Ảnh: Hải Nguyễn

Hàng loạt nút thắt do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ

Văn Nguyễn LDO | 04/02/2021 11:31

Việc chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ và định mức hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa đảm bảo yếu tố thị trường là những điểm khiến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có chất lượng chưa cao cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngày càng lớn

Được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV hướng đến nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của DNNVV.

Đây là đạo luật đầu tiên ở Việt Nam về hỗ trợ DNNVV, cụ thể hóa chủ trương về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 tại Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ, trong đó coi DN là động lực của phát triển kinh tế với những nguyên tắc như DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; nhà nước lấy DN là đối tượng phục vụ và nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DNNVV.

Ngay sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành, Chính phủ vào tháng 3.2018 tiếp tục ban hành Nghị định số 39/2018 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV và đến nay, 5/5 nghị định hướng dẫn luật đều được ban hành đầy đủ.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông, các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DNNVV giai đoạn vừa qua được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và nhờ đó mang đến một số kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng DN bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội cũng liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai, quá trình thực hiện Nghị định 39 xuất hiện nhiều vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ DNNVV.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Đông, một số vấn đề được nhận định còn đang gây nhiều vướng mắc như các định mức hỗ trợ; cách thức, quy trình hỗ trợ; nội dung hỗ trợ trọng tâm (chuyển đổi hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo); một số chính sách chưa được triển khai (cấp bù lãi suất, ưu đãi thuế…), cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn kinh phí thực hiện…

Nút thắt kinh phí hỗ trợ

Số liệu tổng hợp của 53 tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương, tổng số tiền dành cho hỗ trợ DN trong giai đoạn 2016-2020 là gần 7.000 tỉ đồng. Trong đó phần lớn các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như xây dựng và triển khai hoạt động hỗ trợ kết nối DN, triển khai các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp cận tín dụng hay hỗ trợ đào tạo quản trị DN.

Trong khi đó chỉ có 8% địa phương thực hiện giải pháp hỗ trợ DN về tiếp cận mặt bằng sản xuất và chỉ có 2% địa phương cung cấp thông tin về thị trường nông sản.

Đại diện nhiều DN cũng phản ánh các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.

Một số lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng chưa thực chất và chưa công khai minh bạch.

Ghi nhận mới đây của Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT) cũng cho thấy, vẫn còn gần 20% DN được khảo sát cho biết vẫn bị thanh kiểm tra 2 lần/năm. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bởi COVID-19, trong lúc phải áp dụng nhiều biện pháp để tồn tại và cầm cự sản xuất, thậm chí buộc phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động và chưa thể xoay xở được nguồn tiền, DN không những không được chia sẻ khó khăn mà vẫn tiếp tục nhận được các yêu cầu thanh tra vì nợ đọng các khoản phải nộp.

Đánh giá của Cục Phát triển DN cho thấy, năng lực của các đơn vị đầu mối thực hiện trợ giúp DNNVV còn yếu và thiếu là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém, tồn tại khiến hoạt động hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả. Một điểm mấu chốt khác là việc bố trí ngân sách chưa đủ để triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ.

Theo đó tình trạng chung hiện nay của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN khu vực tư nhân là không xác định rõ được nguồn lực triển khai các giải pháp hoặc nếu có cũng không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng DN.

Cụ thể, dù Luật Hỗ trợ DNNVV được triển khai từ đầu năm 2018, báo cáo đánh giá 2 năm thi hành của các bộ, ngành và địa phương cho thấy nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ.

Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai. Nhiều địa phương và hiệp hội DN cũng phản ánh, định mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho DNNVV còn chưa đảm bảo yếu tố thị trường, dẫn đến các chương trình hỗ trợ chưa có chất lượng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cần hỗ trợ của DN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn