MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vàng ngày 21.4 liên tục lập đỉnh, giá vàng vẫn được dự báo tăng tiếp. Ảnh: Phan Anh

Hàng loạt quyết định được đưa ra sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động

Nhóm PV LDO | 22/04/2024 06:30

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài "Cởi trói cho thị trường vàng để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế”, phản ánh những bất cập trong việc quản lý thị trường vàng của Việt Nam hiện nay. Có thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến khó hiểu, xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng, trốn thuế gây thất thoát ngân sách, mạng lưới phân phối bị bóp nghẹt… Nguyên nhân là do thị trường vàng Việt Nam đang không hội nhập, liên thông với thế giới.

Bài viết cũng chỉ ra những bất cập trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hơn một thập kỷ trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các quy định từ 11 năm trước, trong khi có những quy định không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.

Đặc biệt, việc SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia khiến các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu vàng khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. Người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao.

Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Hệ quả chung là, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đều chịu thiệt. Thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.

Từ việc phản ánh, phân tích các bất cập trên, tuyến bài của Báo Lao Động đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để quản lý thị trường vàng như: Sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng, cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, trả vàng về cho thị trường vận hành; Cần có quy định đề cập toàn diện hơn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức như hiện nay...

Sau loạt bài của Báo Lao Động, ngày 27.12.2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện 1426 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng.

Đến ngày 28.12.2023, Ngân hàng Nhà nước có thông cáo báo chí về việc tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp. Ngày 2.1.2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23.8.2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.

Ngày 3.1.2024, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN ông Đào Minh Tú khẳng định, Nghị định 24 cần thiết phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn.

Ngày 15.2.2024, sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Chỉ thị 06. Trong đó tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.

Từ đó đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó có việc sửa đổi Nghị định 24 nhằm bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn