MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách hàng làm đơn khiếu nại trong vụ “hô biến” tiền gửi tiết kiệm từ Ngân hàng SCB sang đầu tư bảo hiểm của Manulife (sản phẩm Tâm an đầu tư). Ảnh: Anh Tú

Hàng loạt vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

TRÍ MINH LDO | 03/07/2023 06:22

Những hành vi vi phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Bán bảo hiểm qua ngân hàng nhiều sai phạm

Bộ Tài chính vừa có kết luận thanh tra chuyên đề tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên...

Một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Tại MB Ageas, các quy trình, quy chế của đơn vị này chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ngân hàng MB. Quy trình tuyển dụng, đào tạo đại lý kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chưa có bước đối soát với ngân hàng về danh sách nhân viên tham gia đào tạo trước khi tổ chức đào tạo.

Ở Prudential, công ty này được xác định đã áp dụng các yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Từ đó dẫn đến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam trong năm 2021, vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định số 73 của Chính phủ.

Còn tại Sun Life, qua thanh tra chọn mẫu, cơ quan chức năng cũng phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần chấn chỉnh

Theo ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên chuyên ngành bảo hiểm (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), một trong những nguyên nhân khiến thị trường rơi vào khó khăn là bởi chính các công ty bảo hiểm đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm quá cao.

“Các công ty bảo hiểm đã quá xem trọng doanh số hơn là chất lượng của doanh số đó, quan trọng số lượng đại lý hơn chất lượng đại lý. Bên cạnh đó, khâu tuyển dụng dễ dãi và việc sát hạch đào tạo chưa nghiêm dẫn đến kết cục có rất nhiều tư vấn viên bảo hiểm ở bên ngoài thị trường không đạt chuẩn” - ông Trần Nguyên Đán nói.

Liên quan đến vấn đề này, trong các kiến nghị sau thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

Theo đó, các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn