MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cánh đồng lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn huyện Long Phú (Sóc Trăng) đang chết do thiếu nước ngọt. Ảnh: Phương Anh

Hàng nghìn ha lúa ở Sóc Trăng có nguy cơ thiệt hại do thiếu nước ngọt

PHƯƠNG ANH LDO | 01/03/2024 15:26

Giá lúa đang ở mức cao nên dù đã được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khuyến cáo, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn chủ quan xuống giống lúa Đông Xuân muộn (vụ 3). Và kết quả, hiện nay hàng nghìn ha lúa đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vì thiếu nước ngọt.

Ghi nhận tại huyện Long Phú - địa phương có trên 6.000ha lúa vụ 3 thì hiện đã có 3.408ha bị thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó có 641ha bị thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn.

Ông Danh Ngọc Triệu, ở xã Long Phú cho biết vụ này ông canh tác gần 10ha lúa giống OM5451, hiện lúa đã được hơn 1 tháng tuổi. Trong những ngày qua lúa thiếu nước và đã có một số diện tích bị chết khô.

"Nước mặn nên địa phương đã đóng các cống lại, nước ngọt dữ trữ trên sông thì đang cạn dần nên tôi tranh thủ bơm những giọt nước cuối cùng để cứu lúa. Nhưng nếu tình hình mặn còn kéo dài thì 10 ha lúa này coi như mất trắng”, ông Triệu ngậm ngùi nói.

Ông Sơn Tùng - Trưởng ban nhân dân ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú (Long Phú, Sóc Trăng) - cho biết, toàn ấp có 360 ha lúa vụ 3, trong đó có khoảng 10ha lúa chết do ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ do thiếu nước tưới.

“Năm trước, tình hình mặn không gay gắt như năm nay, cộng với lúa đang có giá khá cao nên bà con chủ quan xuống giống vụ 3 mặc dù chúng tôi khuyến cáo người dân không làm lúa vụ này”, ông Tùng nói.

Ruộng cạn nước và cây lúa đang chết dần. Ảnh: Phương Anh

Tương tự, tại các cánh đồng thuộc huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nhiều nông dân cũng đang rất đau đầu khi lúa đang “khát nước” mà nước thì lại mặn.

Ông Trần Văn Điểm ở xã Đại Ân 2 cho biết, những năm trước không làm lúa vụ 3, năm nay thấy xung quanh ai cũng xuống giống nên ông cũng thuê 1,7 ha đất làm. Lúa 48 ngày tuổi nhưng đã bị thiếu nước hơn 1 tuần nay nên một số chỗ rễ cây bị thối, cháy lá. Để cứu lúa ông Điểm đành bơm nước có độ mặn 1g/l vào ruộng với hi vọng “còn nước còn tát”.

“Chi phí vụ này khá cao, tiền thuê 1,7 ha đất là hơn 10 triệu đồng, tiền cải tạo đất, giống rồi phân bón cũng trên 2,5 triệu đồng/1.000m2. Giờ chỉ mong vụ này huề vốn” . Ông Điểm nói.

Các kênh nội đồng đều đã cạn nước. Ảnh: Phương Anh

Cách đó không xa, ông Chau Rạch Ca Na ở xã Liêu Tú cho biết, vụ Đông Xuân muộn này ông canh tác 1,6 ha. Lúa sạ được khoảng 20 ngày thì thiếu nước, ông bơm nước ở ngoài sông vào rồi lúa bị ngộ độc phèn nên vàng lá, một số chỗ đã chết nên giờ phải nhổ những chỗ lúa dày dặm vào những chỗ lúa bị chết.

“Vẫn biết vụ này làm là khó khăn vì hạn mặn, nhiễm phèn nhưng thấy nhiều người làm, mình cũng làm theo với hi vọng kiếm chút vốn cho vụ sau. Nhưng tình hình như hiện nay chỉ mong huề vốn”, ông Ca Na nói.

Ông Chau Rạch Ca Na ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) đang nhổ lúa chỗ dày dặm lại chỗ lúa chết do bị ngộ độc phèn. Ảnh: Phương Anh

Theo ông Lách Phà Rích - Trưởng Trạm Quản lý thủy nông huyện Long Phú, tình hình mặn trong mấy ngày vừa qua diễn biến phức tạp, có lúc độ mặn cao nhất đo được tại bến phà Đại Ân (phà từ huyện Long Phú qua huyện Cù Lao Dung) lên tới 12g/l. Toàn huyện có trên 30 cống ngăn mặn đều được đóng kín nhằm đảm bảo tránh tình trạng mặn xâm nhập vào nội đồng.

Ông Rích cho biết, hiện độ mặn đang ở mức cao, các kênh nội đồng đã cạn kiệt nước. Ngành nông nghiệp huyện đã có thông báo khi độ mặn dưới hoặc bằng 1,6 g/l thì sẽ mở cống Cái Quanh để lấy nước vào.

"Bà con cần chủ động kiểm tra, đo độ mặn trước khi lấy nước bơm tưới các loại cây trồng, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả", ông Rích nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn