MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper). Ảnh: Anh Tú

Hàng quán ăn uống ở TPHCM cần làm gì để được mở bán mang đi?

MINH QUÂN LDO | 09/09/2021 07:28

TPHCM vừa cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6h - 18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, TPHCM cũng đưa ra các điều kiện khắt khe nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Việc TPHCM cho phép hàng quán mở bán trở lại là tin vui đối với các cửa hàng, dịch vụ kinh doanh ăn uống và nhiều người dân TPHCM.

Trước đó, từ ngày 9.7, khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM đã tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang đi.

Tuy nhiên, khi cho phép mở bán lại, TPHCM cũng đặt ra các quy định khắt khe nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở thành phố.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ": làm việc tại chỗ, chống dịch tại chỗ và ăn ở tại chỗ.

Đồng thời, người lao động làm việc tại các cơ sở này phải đảm bảo điều kiện đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

TPHCM cũng quy định chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper).

Quy định này cũng dễ hiểu bởi hiện nay TPHCM vẫn đang giãn cách "ai ở đây ở yên đó" nên người dân không ra đường mua đồ ăn được. Do đó, người dân sẽ ở nhà và đặt đồ ăn qua app.

Còn các quán ăn muốn bán được hàng bắt buộc phải liên kết với các đơn vị cung cấp app đặt đồ ăn. Thông qua app đặt hàng trực tuyến, shipper là người nhận đơn và giao đồ ăn cho khách.

Tuy nhiên, hiện TPHCM chỉ cho shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức. Điều này đồng nghĩa người dân ở quận, huyện nào thì chỉ có thể đặt đồ ăn ở khu vực quận, huyện đó.

TPHCM cũng quy định các hàng quán phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường theo quy định. 

Việc này nhằm mục đích để các địa phương nắm được số lượng các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại, tiện trong việc quản lý. Còn việc cấp giấy đi đường nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở này trong khâu nhập hàng, nguyên vật liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn