MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến cho rằng, với hàng trăm nghìn tấn ùn ứ, việc bán lẻ thanh long sẽ rất khó khăn

Hàng trăm nghìn tấn thanh long "tắc" biên, bán lẻ bao giờ cho hết?

Vũ Long LDO | 01/01/2022 18:19

Cùng lượng xe tắc biên tại cửa khẩu, hàng trăm nghìn tấn thanh long đang “tắc” đầu ra vì không có năng lực chế biến, việc bán lẻ rất chậm.

Hàng trăm nghìn tấn thanh long "tắc" lối ra

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nếu tính cả số lượng xe trái cây ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) thì hiện tại các cửa khẩu của 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đang tồn khoảng trên 3.000 xe nông sản, trái cây, cần được đẩy nhanh tiến độ thông quan, hoặc “quay đầu” về thị trường nội địa để tiêu thụ, hoặc chế biến, bởi có nhiều xe trái cây đã “nằm” chờ tại cửa khẩu 15-20 ngày, nguy cơ thối hỏng là rất lớn.

Đặc biệt, mặt hàng trái cây thanh long đã được Hải quan Trung Quốc thông báo tạm ngừng nhập khẩu cho đến khi có thông báo trở lại, trong khi đó, hàng trăm xe hàng thanh long đang "nằm" chờ tại các bãi xe chờ thông quan đã rất nhiều ngày, nhiều xe phải "quay đầu" về tiêu thụ trong nước theo kiểu "bán được đồng nào hay đồng đó", phần lớn thanh long được bán với mức giá thu mua tại vườn (7.000-10.000 đồng/kg), còn xăng xe, công xá... doanh  nghiệp gánh chịu.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An lo lắng chia sẻ: Tỉnh Long An có khoảng 10.000ha thanh long, sản lượng khoảng 20.000 tấn. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên, lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn.

Cũng chung nỗi lo lắng này, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, cho hay: Từ nay đến hết tháng 2.2022, sản lượng thanh long của tỉnh là 120.000 tấn, sản lượng này tương đương 30% diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh.

"Bình Thuận đang rất khó khăn trong xuất khẩu thanh long do chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường biên giới, nông dân mong chờ dịp Tết xuất thanh long để có thêm thu nhập, nhưng thông tin tiêu cực từ cửa khẩu khiến tiêu thụ thanh long đang khó khăn, bế tắc. Trong khi đó, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, còn đơn giản. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh không đáng bao nhiêu. Giá thanh long thu mua tại vườn đang giảm mạnh, hiện loại ngon nhất cũng chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg" - ông Tuấn lo lắng nói.

Ông Tuấn kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ Bình Thuận tiêu thụ thanh long, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ ngược lại doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng...

Doanh nghiệp chế biến không nhắc đến thanh long

Trước lời kêu gọi của đại diện Sở NNPTNT Long An và Bình Thuận - những địa phương có sản lượng thanh long lớn nhất nhì cả nước, một số doanh nghiệp như Central Retail, BGR Retail chia sẻ ý kiến sẽ hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng này tại các chuỗi siêu thị Big C, Go; BRGMart/HaproMart...

Ông Nguyễn Thái Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết: Nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân sẽ tăng lên, để hỗ trợ nông dân, BRGMart sẽ đưa thanh long vào bán theo hình thức "không lợi nhuận" tại khoảng 100 siêu thị BRGMart, hình thức bán hàng "không lợi nhuận" sẽ thu hút được người tiêu dùng.

Điều đáng nói là, từ nay đến sau Tết Nguyên đán là thời điểm thanh long chín dồn dập, việc "bán lẻ" thanh long sẽ không hỗ trợ tiêu thụ nhanh, cần có nhà máy chế biến để một mặt vừa đẩy nhanh tiêu thụ thanh long khi loại trái cây này đang thu hoạch rộ, một mặt nâng giá trị gia tăng của loại trái cây đặc sản này. Thế nhưng, chia sẻ tại các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp chế biến đều chỉ đề cập đến các mặt hàng dứa, xoài, chuối, chanh leo..., mặt hàng thanh long rất ít được "điểm tên" đưa vào chế biến. 

Ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Đồng Giao có thể hỗ trợ tiêu thụ xoài, chuối. Tuy nhiên, ông Khuê không nhắc đến chế biên thanh long.

“Chúng tôi cũng đã chế biến xoài với số lượng rất lớn, nên có thể hỗ trợ tiêu thụ thêm số lượng rất lớn mặt hàng này. Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang tập trung chế biến các loại đã về kho và đang chuẩn bị có thể thu mua xoài, chanh leo, dứa… để chế biến trong thời gian tới. Hiện nay, chúng tôi đã làm việc rất tốt với Tiền Giang, Đồng Tháp và nhiều tỉnh phía Nam để tiêu thụ, chế biến rau quả” – ông Khuê thông tin.

Một số ý kiến cũng tỏ ý "trách móc" người trồng thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu lâu nay "ngó lơ" thị trường nội địa, chỉ "chăm chăm" xuất khẩu. Thế nhưng, nhiều năm nay, mỗi khi bị "tắc" xuất khẩu mới "quay đầu" xin hỗ trợ "giải cứu" - điều này không đúng với quy luật thị trường và ngược văn hóa thương mại.

Người tiêu dùng cũng cho rằng, mặc dù bị ùn ứ, nhưng thanh long bán tại siêu thị và các chợ dân sinh vẫn được "hét" với giá 25.000-30.000 đồng/kg, khiến sức mua rất chậm. Nếu bán với giá này, biết bao giờ mới tiêu thụ hết hàng trăm nghìn tấn thanh long đang bắt đầu chín rộ?

Doanh nghiệp không nên "đổ thừa"

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng không hài lòng, khi Bộ và địa phương đã thông báo, nhưng doanh nghiệp "không chịu nghe" để khi gặp ách tắc lại “quay lại” trách bộ NNPTNT.

"Cần nhìn nhận trách nhiệm, không “đổ thừa”, một số doanh nghiệp làm không đúng, đến khi không xong lại “đổ lên đầu” Bộ NNPTNT, trong khi Bộ đang nỗ lực tháo gỡ, kết nối, trao đổi với phía bạn. Thông quan đường ngoại giao, bạn đã thông tin nhiều mặt hàng nông nghiệp thanh long, hải sản dính COVID-19 nên bạn ngừng, không nên “đổ thừa” cho phía bạn. Nên cần giải pháp thích hợp cho cả 2 bên" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn