MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Hành trình cá tra" - từ sinh sản nhân tạo đến lễ hội

Lục Tùng LDO | 16/12/2022 08:29
Đồng Tháp – Nhân Lễ hội cá tra đầu tiên Việt Nam, xin nhắc lại hành trình cho cá tra sinh sản nhân tạo để tri ân tiền nhân.

Chuyện cho cá tra sinh sản nhân tạo không mới và đã được nhiều phương tiện truyền thông loan tin từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, phần lớn thông tin này được phản ánh một cách gián tiếp nên khó tránh được nạn “tam sao, thất bổn”.

Vì vậy, lần này, chúng tôi cố gắng tìm đến nhà ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những “người trong cuộc” với mong muốn mang đến bạn đọc thông tin trực tiếp nhân dịp Lễ hội cá tra đầu tiên tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp vào 16-17.12.2022.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những “người trong cuộc” cho cá tra sinh sản nhân tạo. Ảnh: Lục Tùng

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, để biết cá tra sinh sản nhân tạo như thế nào, trước hết cần tìm hiểu hành trình cho cá basa sinh sản nhân tạo. Vì việc cho cá tra sinh sản nhân tạo như là “ngẫu hứng” từ câu chuyện cá basa.

Chuyện bắt đầu vào năm 1989, Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (AGIFISH) và Viện Thuỷ sản II phối hợp triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Basa” từ nguồn kinh phí do Uỷ ban khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang hỗ trợ.

Học sinh vẽ tranh cá tra hưởng ứng lễ hội cá tra. Ảnh Lục Tùng

 Năm 1990, Công ty AGIFISH – AFIEX chuyển 45 cá bố mẹ lên trại Thuỷ sản Thủ Đức, nhưng do tỷ lệ thành thục thấp nên năm 1993 đã thành lập nhóm cán bộ kỹ thuật và tuyển chọn 2.000 cá  thể (4,5 tấn) nuôi làm cá bố mẹ tại Châu Đốc, kinh phí do công ty tự lo.

Đến ngày 14.3.1994 AGIFISH ký hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp quốc tế và Ban chăn nuôi thú y vùng nhiệt đới (CIRAD – EMVT) của Cộng hoà Pháp do kỹ sư Philipe Cacot, người đang làm luận án tiến sĩ thuỷ sản tại Đại học Cần Thơ… từ nguồn cá bố mẹ 2.000 con (lúc này đạt trọng lượng 5-6kg/con).

Nuôi vỗ cá tra giống. Ảnh: Lục Tùng

“Nên nhớ rằng, lúc đó, công ty chỉ cho phép thí nghiệm 10 con cá bố mẹ/tháng” - ông Nhị nhấn mạnh. Sau thời gian nghiên cứu, ngày 20.7.1995, lần đầu tiên thành công với việc cho cá basa sinh sản nhân tạo với 5.000 con.

Từ thành công này, đã tạo niềm tin để tỉnh An Giang quyết tâm đầu tư sâu hơn. Ngày 20.7.1998, đoàn công tác do đích thân ông Nguyễn Minh Nhị, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã lên đường sang tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào). Trên đường ra thác Khône, được xem như môi trường lý tưởng để cá ba sa sinh sản tự nhiên, đoàn đã nhiều lần mua cá basa tại các chợ ven đường để nghiên cứu.

Từ quan sát thực tiễn trong chuyến đi này, đã giúp bộ phận nghiên cứu điều chỉnh lại lượng thức ăn để cá tăng trưởng thành thục và tỉ lệ trứng cao hơn.  Nhờ đó mà chỉ ngay năm sau, đã sản xuất ra được 900.000 con và đến năm 2.000 đã tăng lên 2.000.000 con.

Thu hoạch cá tra. Ảnh Lục Tùng

Trong quá trình cho cá basa sinh sản nhân tạo, như sự ngẫu hứng, công ty có tuyển một số cá tra quá lứa từ ngư dân quanh vùng. Vì vậy, 2 năm sau lô cá ba sa sinh sản đầu tiên, công ty AGIFISH cũng cho đẻ mẻ cá tra đầu tiên vào tháng 5.1997 tại Châu Đốc. “Sau đó công ty chuyển cá bột cho chủ nhà máy xay xát ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi giống. Nhưng do thiếu quan tâm chăm sóc nên số cá chết hết”- ông Nhị nhớ lại. Lần thứ 2, công ty tiếp tục chuyển cá bột cho ông Hai Nấm ở Hồng Ngự đang sẵn ao sạch, đã nuôi lên thành cá giống.

Sau khi thành công việc cho cá basa và cá tra sinh sản nhân tạo, nhóm nghiên cứu của AGIFISH lại tiếp tục nghiên cứu và thành công với việc lai tạo cá sa - tra, tức lai giữa tinh cá basa và trứng cá tra. “Cá lai có chất lượng thịt tốt như bố và tăng trọng nhanh như mẹ, nhưng vì những lo ngại đến nguồn gen ngoài thiên nhiên nên sau đó dừng công nghệ này”- ông Nhị cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn