MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình đi tìm gạo ngon nhất thế giới

Nhật Hồ LDO | 28/01/2020 11:00

Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng mãi đến năm 2019, Việt Nam mới được xướng tên “Việt Nam. Gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới”. Niềm vui dồn nén hơn 25 năm mới vỡ òa hạnh phúc.

Để có những nụ cười như ngày hôm nay, những nhà khoa học cùng nông dân mướt mồ hôi trên ruộng đồng. Đôi khi, mồ hôi của họ hòa cùng những giọt nước mắt chảy trên ruộng lúa mênh mông.

Bao phen lên bờ xuống ruộng

Gạo ngon nhất thế giới ở đâu, giờ không còn là câu hỏi khó. Bởi ai cũng biết đó là gạo ST25 ở Sóc Trăng, Việt Nam do Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và cộng sự nghiên cứu.

Ngược dòng thời gian hơn 25 năm trước, ít ai biết rằng việc phát hiện đưa về giống lúa thơm là một người khác. Đó chính là GS.TS Võ Tòng Xuân, hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Cách đây gần 30 năm, chính vị giáo sư nông nghiệp này mang giống lúa KDM từ nước ngoài về tặng cho tỉnh Sóc Trăng. Ông Hồ Quang Cua, lúc đó đang là cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, là người rất mê các dòng lúa thơm nên giữ gìn, chăm sóc và phát triển.

Ông Cua nhớ lại: “Chính thầy Xuân đã tặng cho Sóc Trăng giống lúa thơm và tôi là người được giao nhiệm vụ phải giữ gìn, canh tác”.

Khi ấy, kỹ sư Hồ Quang Cua chỉ đưa ra khát vọng đầu tiên là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo thơm Sóc Trăng” chứ không dám mơ đến thương hiệu gạo ST bởi lúc bây giờ chỉ dẫn địa lý là điều rất mơ hồ.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: “Năm 1993, UBND tỉnh Sóc Trăng lúc đó ngân sách còn thiếu trước hụt sau, nhưng đã xuất ngân sách mua trữ trên 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) để đầu tư cho sản xuất. Đây là lúa giống thơm đầu tiên chúng tôi phát triển từ “lúa lạ” do thầy Võ Tòng Xuân mang về tặng”.

Được GS.TS Xuân truyền “lửa”, lãnh đạo tỉnh “ưu ái” nhưng khổ nỗi, sản phẩm làm ra bán không ai mua. Thương lái định giá lúa thơm mà các nhà nghiên cứu quý như vàng chỉ bằng với lúa thường.

Không còn đường lùi, ông Cua ngậm ngùi đề xuất với tỉnh Sóc Trăng bán đi số lúa giống đề người ta chà gạo ăn. Ông nhớ lại: “Nhìn hàng xáo (người mua lúa về chà thành gạo bán ra thị trường –PV) chở lúa đi mà ai cũng rớt nước mắt. Bao nhiều công lao nghiên cứu ra lúa thơm, vậy mà bán không được. Buồn rồi, anh em lo là sẽ bị nhận kỷ luật cả đám chớ chả chơi”.

Trong rủi có may, số lúa giống được hàng xáo chà thành gạo bán ở chợ, ai ăn cũng khen ngon vì vừa dẻo, vừa thơm, cơm nở… Họ ùn ùn tìm đến nhóm nghiên cứu đặt mua lúa với giá cao.

Chính người tiêu dùng làm động lực đến nhóm nghiên cứu tiếp tục công việc của mình. Liên tiếp sau đó là các giống ST1, ST5, ST 20 ra đời. Đặc điểm của lúa thơm lúc kỳ đầu là thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp nên dù giá lúa có cao, nhưng người sản xuất thu lợi nhuận ngang bằng với lúa thường.

Gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới.
 Cuối năm 1997, Thái Lan đã lai tạo được hai giống lúa thơm thuần nông ngắn ngày thành công. Không chấp nhận thua thiệt Thái Lan, được sự động viên của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn, nhóm nghiên cứu bắt đầu công tác thu thập giống lúa thơm từ Thái Lan, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Nam bộ, Bắc bộ, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)... Lai phức hợp để cho ra dòng ổn định cần phải có thời gian dài hơn lai đơn rất nhiều, thông thường là khoảng 11- 12 vụ.

Theo kỹ sư Cua, quá trình nghiên cứu và lai tạo đến năm 2004 mới có tổ hợp lai chọn ra được giống tốt. Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, cho đến năm 2014 được ổn định và đưa ra khảo nghiệm. Cùng năm này, ST20 ra đời, thật sự đứng vững trên thị trường.

Do làm sau nên nhóm nghiên cứu chọn cho mình con đường đi ngắn nhất và rút những kinh nghiệm của những công trình lúa lai trước đây để đi đến lập trình những tổ hợp lai gồm có nhiều đời bố mẹ có gene thơm rất tốt, tạo ra những phẩm chất rất đặc biệt, xen lẫn mùi thơm dứa và mùi thơm khóm, nên người tiêu dùng sẽ cảm nhận được hương vị khác biệt của lúa thơm Sóc Trăng.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt

Thực tế lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã có gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” (Bạc Liêu), “Nàng Nhen Bảy Núi” (An Giang), “Gạo nàng Thơm chợ Đào” (Long An) với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường nhưng lại chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý như “gạo Việt Nam”, “gạo Đồng bằng sông Cửu Long”, “gạo thơm Sóc Trăng” để thế giới biết đến.

Sóc Trăng đã hoàn thiện các quy trình sản xuất gắn với chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu bản quyền… là việc làm rất đáng ghi nhận.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân: “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn”.

Nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ nông dân trồng lúa được cấp chứng nhận GlobalGAP cho 52ha lúa thơm ST của 2 HTX tại huyện Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm; 1 HTX của huyện Châu Thành được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích sản xuất 61ha và 41ha tại huyện Kế Sách… Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí ngoài kinh doanh các giống lúa thơm ST cũng triển khai sản xuất lúa ST24 theo quy trình hữu cơ với diện tích gần 59ha.

Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới đã có, doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng thu mua, nông dân khao khát làm giàu chính đáng. Vì vậy, gạo ST25 đã hội đủ điều kiện để đưa nông dân ra biển lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn