MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hậu Giang: Doanh nghiệp siết đầu ra, nông dân gặp khó

HỒ THẢO LDO | 28/08/2022 09:53

Hậu Giang - Hợp tác xã từng là "niềm hy vọng" của nông dân trồng khóm (dứa) ở Hậu Giang trước tình trạng trúng mùa mất giá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nông dân "méo mặt" với tiêu chuẩn đầu ra ngày một siết chặt của hợp đồng mới của đơn vị thu mua.

Bất ngờ với điều khoản mới

Theo ghi nhận của chúng tôi, HTX trồng khóm tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, có trên 100ha, với 54 hộ thành viên, đây còn được coi là vùng khóm nguyên liệu lớn nhất của huyện.

Cũng theo những hộ dân tại xã Phương Bình cho biết, trước đây, vùng đất này chủ yếu là trồng mía, nhận thấy không mang lại hiệu quả kinh tế nên người d ân dần chuyển sang trồng khóm. 

Một thành viên HTX trồng khóm cho biết, năm 2019, 11 hộ trên địa bàn xã thành lập HTX trồng khóm Bửu Long ký hợp đồng với công ty Westfood có thời hạn 3 năm. Theo đó, công ty cung cấp giống khóm MD2 cũng như có nhân viên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định. Nhận thấy, những hộ đầu tiên ăn nên làm ra nên nhiều hộ khác cũng tham gia, đến nay tổng cộng có 54 hộ thành viên HTX.

Hình ảnh nông dân HTX trồng khóm MD2 tại huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang, không còn vui vẻ như trước đây. Ảnh: Hồ Thảo 

Ông Trần Thanh Vẹn - Phó Giám đốc HTX Bửu Long - cho biết, trong 54 hộ thành viên của HTX có hộ đã đến thời gian đáo hạn hợp đồng. Tuy nhiên, trong lần họp lấy ý kiến của các thành viên với Công ty Westfood gần nhất, đa phần các thành viên không đồng tình với bản thảo của hợp đồng mới.  

“Thay vì trước đây công ty thu mua với giá từ 5.500 đồng – 5.800 đồng/kg theo dạng sô lùa (cân chung các hạng trái). Đến nay, họ phân loại trái từ 1.100g đến dưới 1.900g, tính loại 1 với giá 5.800 đồng/kg; loại 2 từ trên 600g đến dưới 1.100g và trên 1.900g công ty mua vào 5.500 đồng/kg; loại 3 trên 300g đến dưới 600g là 2.800 đồng/kg. Đặc biệt, trái dưới 300g công ty không thu mua” – ông Vẹn cho biết.

Cũng theo ông Vẹn, với cách phân loại trên người dân khó có lãi, công ty phân nhiều loại trái để kéo giảm giá bán, lợi nhuận của người dân cũng đi xuống. Bên cạnh đó, người dân muốn công ty thu mua sô lùa như cũ, cho nên hai bên chưa có tiếng nói chung.  

Cũng là thành viên hợp tác xã, ông Trần Minh Thiện thấy bất cập về việc trước đây công ty cung cấp chồi giống cho mình với 3.500 đồng/chồi. Sau đó, công ty Westfood thu mua lại 100% chồi giống mới, từ những chồi giống ban đầu của  ruộng khóm của nhà ông.

Tuy nhiên, với điều khoản mới công ty chỉ mua số lượng bằng đúng số chồi giống đã cung cấp cho ông Thiện với giá 2.000 đồng/chồi. Điều đáng nói, ông phải tự tiêu hủy số chồi giống còn lại tại ruộng chứ không được bán ra ngoài.

Bất ổn, nông dân tìm hướng mới

Cũng theo ông Thiện, trước đây, công ty thanh toán tiền ngay sau khi mua giống, đến nay điều khoản mới quy định hết hợp đồng công ty mới thanh toán tiền.

“Với 11 công đất (1 công = 1.000m2) trồng khóm của tôi, mọi năm, tiền bán giống còn nhiều hơn tiền bán trái. Trong khi một cây chỉ bán được 1 chồi giống, còn lại phải hái bỏ không được bán, công sức chăm sóc nhìn tiếc hùi hụi. Tôi đang đợi công ty có thay đổi điều khoản, hoặc tìm hướng mới vì thấy bất ổn” - ông Thiện bùi ngùi.

Ông Trần Minh Luân - Tổ Trưởng tổ Kỹ thuật xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp - cho biết: Toàn xã có khoảng 125 hecta đất trồng khóm, tổng cộng 64 hộ với 54 hộ tham gia Hợp tác xã. Từ trước năm 2020, giá cả ổn định nông dân lãi từ 150 đến 200 triệu/ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây do vật tư tăng giá nông dân giảm lãi còn 50 - 70 triệu/1ha.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Công ty Westfood đã có buổi làm việc với UBND xã, UBND huyện về dự thảo bản hợp đồng mới của HTX trồng khóm Bửu Long, với đa số hộ dân chưa đồng tình với bản hợp đồng này. 

Theo ông Luân, dự thảo hợp đồng mới có thay đổi về phân loại trái, thời gian thanh toán, và số lượng thu mua chồi giống. Ông Luân cũng thừa nhận theo hợp đồng mới với những thay đổi rất khó cho người dân.

“Chúng tôi cũng đang chờ đợi quyết định từ công ty Westfood, để định hướng cho bà con cũng như trên địa bàn xã có nên mở rộng vùng trồng khóm MD2 hay không” - ông Luân chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn