MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Hà Tĩnh chi trả tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển cho người dân. Ảnh: Trần Tuấn

Hậu sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh: Nhanh chóng hoàn tất việc bồi thường

H.THƠ - T.TUẤN - Đ.THÀNH LDO | 28/06/2017 10:05
Sau hơn một năm bị sự cố môi trường biển, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã tiến hành lập danh sách, rà soát ngư dân, tiểu thương, lao động biển bị ảnh hưởng để việc tiến hành đền bù được diễn ra thuận lợi. Đến nay, công tác chi trả cơ bản đạt được tiến độ đề ra.

Hiện tại, cán bộ, đặc biệt là cán bộ trực tiếp ở cơ sở đang làm ngày làm đêm, bỏ bữa để hoàn tất hồ sơ kê khai đợt cuối cùng với mong muốn sẽ hoàn tất toàn bộ việc đền bù cho người dân trong ngày cuối cùng của tháng 6.2017 này.

Đêm họp, chiều chưa ăn trưa để hoàn tất hồ sơ

Đã 15h nhưng một số cán bộ ở trụ sở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) phụ trách việc hoàn tất hồ sơ kê khai đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vẫn chưa… ăn trưa. Anh Nguyễn An Tư - cán bộ phụ trách ngư nghiệp thị trấn Cửa Tùng - nói rằng, để hoàn tất tiến độ chi trả hết tiền đền bù cho bà con trước 30 tháng 6, nên đợt này ở địa phương phải dồn lực để thực hiện. “Tối thì bật điện đi họp, ngày thì bỏ bữa để gắng hoàn tất” - anh Tư nói.

Tại tỉnh Quảng Trị, trong ngày 26.6 đích thân ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh và ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Tại cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng nói rằng, vấn đề mà tỉnh đặt ra, quan tâm là cần giải quyết những công việc trước mắt, dứt điểm và hoàn thành công tác đền bù, chi trả, hỗ trợ cho đối tượng thiệt hại nhằm đảm bảo thời gian theo yêu cầu.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Việc thực hiện thống kê thiệt hại để có cơ sở đền bù cho người dân ở các tỉnh miền Trung đang được nỗ lực thực hiện, nhưng đến thời điểm này vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Tại tỉnh Quảng Trị, các địa phương đã thực hiện chi trả là hơn 618 tỉ đồng; kinh phí các địa phương chưa chi trả là hơn 60 tỉ đồng. Nguyên nhân chưa chi trả được là do một số địa phương kê khai diện tích nuôi trồng chưa đúng với thực tế, kê khai nhầm ở cả hai đối tượng, một số lao động đi nước ngoài; một số địa phương phải điều chỉnh lại do kê khai tàu thuyền nhầm công suất.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói rằng, hiện địa phương đang gấp rút xử lý những vướng mắc nêu trên.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Văn Sơn - cán bộ UBND tỉnh Hà Tĩnh được ủy quyền cung cấp thông tin về hoạt động chi trả bồi thường sự cố môi trường biển của tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, đối với phần phê duyệt rồi mà chưa chi trả, đang công khai thì một số người dân đang tiếp tục kiến nghị, phản ánh mức phê duyệt đó chưa đúng, hoặc còn thấp, hoặc đang kiện tụng lẫn nhau. Còn phần đang thẩm định trình phê duyệt thì có nhiều đối tượng chậm. Ranh giới giữa được và không được rất khó xác định nên địa phương làm quy trình chặt chẽ nên có chậm.

Trước vướng mắc đó thì tỉnh đã có giải pháp là họp chỉ đạo thường xuyên, bằng các công văn, bằng các cuộc họp để chỉ đạo, đôn đốc để tháo gỡ. Giờ tỉnh đang giao nhiệm vụ cho các địa phương phải hoàn thành chi trả trước 30.6. “Trường hợp nào không kịp thì mình phải tổng hợp lại để báo cáo. Phải đảm bảo thận trọng, chặt chẽ để tránh xảy ra mất công bằng, khiếu nại, khiếu kiện sau này làm phức tạp tình hình” - ông Sơn nói.

Thừa Thiên - Huế có lẽ là địa phương thực hiện thuận lợi nhất việc chi trả tiền đền bù, hiện chỉ còn một vướng mắc nhỏ, đó là một số ngư dân đi biển chưa về.

* Theo Bộ NNPTNT, tính đến thời điểm ngày 23.6, việc đền bù cho các đối tượng trong danh sách đã đạt 92%, trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện việc đền bù đạt tỉ lệ 96,2%, Quảng Bình: 92,3%, Quảng Trị: 89,6%, Thừa Thiên - Huế: 86,5%. Việc đền bù cho các đối tượng vẫn đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số hải sản tồn kho không đảm bảo chất lượng tai 4 tỉnh miền Trung đã được tiêu hủy hoàn toàn.L.V

* Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 23.6, Bộ Tài chính đã chuyển về các Sở Tài chính 4 KBNN tỉnh là 6.437,2 tỉ đồng, trong đó, KBNN Hà Tĩnh: 1.596,2 tỉ đồng; KBNN Quảng Bình: 3.013,5 tỉ đồng; KBNN Quảng Trị: 802,6 tỉ đồng, KBNN Thừa Thiên - Huế: 1.024,9 tỉ đồng.

Các phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thuộc các tỉnh đã được Sở Tài chính chuyển tiền về tài khoản như sau tại Hà Tĩnh: 1.504 tỉ đồng/1.596,2 tỉ đồng, đạt 94,2%; tại Quảng Bình: 2.385,8 tỉ đồng/3.013,5 tỉ đồng, đạt 79,2%; tại Quảng Trị: 679,7 tỉ đồng/802,6 tỉ đồng, đạt 84,7%; tại Thừa Thiên - Huế: 950,5 tỉ đồng/1.024,9 tỉ đồng, đạt 92,7%. K.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn