Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, cựu giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc dùng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu mua bất động sản, cho bạn bè vay, chi tiêu cá nhân, chi hối lộ số tiền khủng cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, ngoài việc dùng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu chi tiêu vô tội vạ, không chỉ Xuyên Việt Oil mà một số thương nhân đầu mối xăng dầu còn chậm trễ nộp tiền Quỹ bình ổn vào tài khoản ngân hàng hoặc kê khai không đầy đủ số dư Quỹ bình ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát tiền của người dân.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính từng có nhiều lần ban hành văn bản thúc giục các doanh nghiệp như Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà chuyển nộp quỹ bình ổn giá vào ngân sách. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được thông tin của doanh nghiệp các này về việc thực hiện nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Trung Linh Phát báo cáo việc thực hiện quy định về Quỹ bình ổn xăng dầu và khắc phục các hành vi vi phạm liên quan.
Theo bộ này, dù đã nhiều lần yêu cầu công ty nghiêm túc thực hiện quy định về quỹ bình ổn xăng dầu, trong đó có việc chuyển nộp vào tài khoản quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.
Cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho biết, trong quá trình thực hiện, quỹ đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường.
Vì quỹ để tại các doanh nghiệp nên có lúc đã bị lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1.2024, có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị xử phạt từ 3 lần trở lên; có 3 thương nhân trích lập và sử dụng quỹ đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập quỹ sai hơn 4,7 tỉ đồng và chi sử dụng quỹ sai hơn 22,5 tỉ đồng…
Từ những khiếm khuyết nêu trên, cho thấy đã đến lúc chấm dứt kỷ nguyên sử dụng quỹ này. Khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi hiện nay, chúng ta còn phụ thuộc vào thế giới. Quỹ bình ổn hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết.
Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước.
Thêm vào đó, một khi các đơn vị nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ xăng dầu được tự chủ kinh doanh sẽ xoá được hiện tượng độc quyền, lợi ích nhóm, cơ chế xin cho, các chế độ báo cáo thỉnh thị, phức tạp, tốn thời gian và thời cơ của các doanh nghiệp.
Từ đó, giá bán lẻ, bán buôn sẽ lên xuống theo thị trường thế giới, chi phí kinh doanh từ mua vào đến bán ra của từng giọt xăng dầu các doanh nghiệp sẽ chủ động tính toán cho mình, lời ăn lỗ chịu.
Xăng dầu chỉ nên để một bộ chuyên ngành quản lý, đó là Bộ Công Thương. Bộ Công Thương không chỉ đạo trực tiếp kinh doanh mà chỉ quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế.
Bộ quản lý cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu nội địa. Tính minh bạch trong giao dịch xăng dầu cao hơn sẽ đem lại quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng xã hội khi có nhu cầu sử dụng.
"Với định hướng mới về thiết lập quỹ bình ổn hiện vật do Nhà nước đầu tư, cấp vốn và quản lý, thay thế quỹ bằng tiền trước đây sẽ đem lại một hình ảnh mới về kinh doanh và phục vụ của một mặt hàng thiết yếu quốc gia trong những năm tới, khi kho dự trữ xăng dầu Nhà nước đã xây dựng xong" - ông Phú nói.