MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Ảnh: wesite NXB GDVN

Hé mở những khoản đầu tư khủng của NXB Giáo dục Việt Nam

Xuyên Đông LDO | 18/08/2022 17:50

Thời gian vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là cái tên được nhiều phụ huynh học sinh và người dân quan tâm, nhất là trước thềm năm học mới. Một trong những vấn đề đáng chú ý là với chức năng của mình Nhà xuất bản Giáo dục đã “chuyên tâm” sản xuất sách giáo khoa hay chưa? Hay còn các hoạt động ngoài lề.

Không công bố đầy đủ báo cáo tài chính

Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2021, đơn vị này có mức lãi cao nhất lịch sử với mức lãi sau thuế là 287,4 tỉ đồng, đạt 250% so với kế hoạch mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh tài chính mà đáng lẽ NXB Giáo dục Việt Nam phải công bố theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo nguồn tin của Báo Lao Động, kết thúc năm 2021, vốn chủ sở hữu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 917,36 tỉ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm (799,2 tỉ đồng).

Tổng nguồn vốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại ngày 31.12.2021 là 1.609 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 57%; gần 692 tỉ đồng còn lại là nợ phải trả, tương ứng 43%. Nợ ngắn hạn hơn 565,4 tỉ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (375,82 tỉ). Nợ dài hạn 126,39 tỉ đồng, tăng 42% so với đầu năm (88,6 tỉ), trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 36 tỉ đồng.

Quy mô tài sản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi kết thúc năm 2021 là 1.609 tỉ đồng (tăng 9,75% so với đầu năm), bao gồm 778,6 tỉ đồng tài sản ngắn hạn và 830,63 tỉ đồng tài sản dài hạn.

Tài sản ngắn hạn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ yếu là hàng tồn kho (402,94 tỉ). Các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh tới 45,56% so với đầu năm, ở mức 192,58 tỉ đồng. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 4,27 tỉ đồng.

Kết thúc quý IV năm 2021, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm hơn một nửa so với đầu năm, từ 100 tỉ xuống còn 40 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tại ngày 31.12.2021 là hơn 99,9 tỉ đồng.

Phần lớn tài sản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nằm ở các khoản đầu tư tài chính dài hạn (481,73 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 30% tổng tài sản). Cụ thể, kết thúc quý IV năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 101,7 tỉ đồng đầu tư vào các công ty con; 289,85 tỉ đồng đầu tư vào các công ty liên kết và 100,13 tỉ đồng đầu tư vào các đơn vị khác.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hơn 131,46 tỉ đồng bất động sản đầu tư (chiếm gần 16% tài sản dài hạn và hơn 8% tổng tài sản).

Như đã đề cập ở trên, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố đầy đủ báo cáo tài chính đã được kiểm toán bao gồm thuyết minh nên không biết cụ thể tình trạng các khoản đầu tư của đơn vị này.

Chi phí bán hàng tăng gấp đôi

Trên bảng cân đối kế toán, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải trích lập dự phòng hơn 10 tỉ cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Kết quả kinh doanh năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận hơn 1.828 tỉ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.780 tỉ đồng, chiếm hơn 97%. Lợi nhuận gộp (sau khi trừ đi giá vốn bán hàng) 544,86 tỉ đồng. Biên lãi gộp 30,6%.

Trong kỳ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận  hơn 32,95 tỉ đồng chi phí bán hàng (gần gấp đôi năm 2020); 229,32 tỉ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và 13,07 tỉ đồng chi phí tài chính.

Kết quả, lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục là 287 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt 150% kế hoạch được giao.

Trong năm 2021, nhà xuất bản này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra. Nhờ số lượng sách giáo khoa phát hành tăng mạnh, tổng doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục đạt 1.828 tỉ đồng, vượt 32% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Năm học 2020-2021, nhiều đầu sách giáo khoa tiểu học đã tăng giá gấp 3-4 lần. Đến năm học 2022-2023, giá sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 tiếp tục tăng cao hơn 2-3 lần so với bộ sách cũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn