MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài sản lên đến 28.000 tỉ đồng, thế nhưng Geleximco chỉ lãi 66 tỉ đồng trong năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình

Hệ sinh thái Geleximco tài sản tăng nhiều nghìn tỉ đồng

Quang Dân LDO | 20/07/2023 09:45

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Geleximco xấp xỉ 28.000 tỉ đồng, thế nhưng doanh nghiệp chỉ báo lãi sau thuế hơn 66 tỉ đồng. Trong khi đó, CTCP Glexhomes và CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng gây ấn tượng với tổng tài sản tăng đến gần 10.000 tỉ đồng một năm, tuy nhiên, lợi nhuận đưa về lại ít đến bất ngờ.

ROA giảm từ 1,63% về còn 0,23%

Tập đoàn Geleximco - CTCP vừa công bố báo cáo kinh doanh năm 2022 với nhiều chỉ số tài chính ấn tượng. Cụ thể, tại ngày 31.12.2022, vốn chủ sở hữu Geleximco đạt 11.516 tỉ đồng, tăng thêm 66 tỉ đồng so với năm 2021. Trong khi đó, tổng tài sản Geleximco đạt khoảng 27.938 tỉ đồng, giảm gần 2.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm.

Kết thúc năm 2022, Geleximco báo lãi sau thuế gần 66 tỉ đồng, giảm 422 tỉ đồng, tương ứng với 86% so với mức lãi 488 tỉ đồng năm trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Geleximco giảm từ 1,63% (năm 2021) về còn 0,23% (năm 2022), con số sụt giảm đáng báo động.

Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của Geleximco còn gần 16.500 tỉ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu là hơn 4.000 tỉ đồng.

Tập đoàn Geleximco - CTCP là tập đoàn kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch kiêm người sáng lập Vũ Văn Tiền. Tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỉ đồng. Hiện vốn điều của lệ của doanh nghiệp này đạt 9.600 tỉ đồng.

Đáng chú ý, ngoài khối tài sản lên đến 28.000 tỉ đồng của Geleximco, tập đoàn này còn có hệ sinh thái hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, có đơn vị ghi nhận quy mô tài sản tăng trưởng lên đến gần 10.000 tỉ đồng trong năm vừa qua. Thế nhưng, đặc điểm chung là lợi nhuận các doanh nghiệp này đưa về lại chưa tương xứng.

Tổng tài sản CTCP Glexhomes tăng gần 8.000 tỉ đồng trong một năm. Ảnh: Chụp màn hình

Tài sản tăng hàng nghìn tỉ đồng trong 1 năm

Đơn cử, tại CTCP Glexhomes (tiền thân là Công ty Cổ phần Ngôi sao An Bình (ABSC) được thành lập năm 2009 bởi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Geleximco), kết thúc năm 2021, tổng tài sản CTCP Glexhomes đạt 3.140 tỉ đồng, thế nhưng bước sang năm 2021, tổng tài sản công ty đã lên đến 11.058 tỉ đồng, tương ứng với tăng thêm gần 8.000 tỉ đồng sau 1 năm.

Đáng nói, trái ngược với đà tăng “phi mã” của tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế tại CTCP Glexhomes lại giảm mạnh từ 154 tỉ đồng năm 2021 về còn chưa đến 1 tỉ đồng trong năm 2022.

Tại ngày 31.12.2022, tổng nợ phải trả của CTCP Glexhomes còn 9.258 tỉ đồng, tăng thêm 488% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu còn 1.000 tỉ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính CTCP Đầu tư Du lịch Vạn Hương năm 2022. Ảnh: Chụp màn hình

Tương tự, CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương - chủ đầu tư khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Hải Phòng (dự án có quy mô 480 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỉ đồng) - cũng đã công bố báo cáo tài chính năm 2022, ghi nhận tổng tài sản tăng mạnh từ gần 10.000 tỉ đồng (năm 2021) lên hơn 20.000 tỉ đồng (năm 2022).

Theo Công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính mà CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, kết thúc năm vừa rồi, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 5 tỉ đồng, năm trước đó, công ty này cũng báo lỗ sau thuế 15,5 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2022, nợ phải trả của CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương hơn 17.200 tỉ đồng, bao gồm hơn 5.700 tỉ đồng dư nợ trái phiếu.

Được biết, tính đến cuối năm 2022, CTCP Glexhomes đang cho bên liên quan là CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương vay hơn 7.000 tỉ đồng theo hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất cho vay không quá 8% năm. Ngoài ra, CTCP Glexhomes còn nắm giữ 734 tỉ đồng trái phiếu do Du lịch Vạn Hương phát hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn