MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù rất nỗ lực nhưng năng lực đáp ứng đóng rút gạo tại Tân Cảng Cát Lái vẫn giảm sút mạnh do ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh minh họa: C.C.L

Hệ thống cảng biển kẹt cứng vì COVID-19, xuất khẩu gạo đang tắc nghẽn

Vũ Long LDO | 29/08/2021 20:46
Mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đóng 10 nghìn container, nhưng hiện nay các bến chỉ đủ năng lực đáp ứng 1/3. Cần nhiều giải pháp để tháo gỡ.

Cả cảng biển và doanh nghiệp xuất khẩu đều "khó trăm bề"

Theo ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing Tân Cảng Sài Gòn, dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt cảng biển phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất để ứng phó với dịch bệnh. Đến nay, sản lượng gạo xuất khẩu qua Tân Cảng Sài Gòn đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các lý do sản lượng xuất khẩu giảm, thị trường giảm, chu kỳ thấp điểm thì lý do chủ yếu nhất là các cảng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống COVID-19.

Về năng lực đóng gạo, trong điều kiện bình thường thì Tân Cảng Sài Gòn có các cơ sở đóng gạo ở TPHCM, Đồng Nai và miền Tây. Tuy nhiên, hiện nay trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Tân Cảng đã rất cố gắng, nỗ lực hết mình để duy trì 3 điểm đó.

“Ở 3 nơi, đặc biệt là tại trung tâm xuất khẩu gạo là Tân Cảng Cát Lái, ở Bến 125 chúng tôi đã duy trì được hoạt động từ đầu tháng 8.2021, hiện nay công suất khoảng 35-50 container đáp ứng cho khoảng 30-35% yêu cầu. Hiện nay, các cảng đang khó khăn vì vào thời điểm tiếp nhận các booking vì nhu cầu lớn. Việc mở lại đóng gạo ở Bến 125 được coi là nhiệm vụ chính trị để duy trì xuất nhập khẩu gạo của khu vực phía Nam, dù tình hình công nhân rất khó khăn, thiếu công nhân, dịch bệnh diễn biến tại TPHCM rất căng thẳng, nhưng cảng vẫn triển khai phương án phòng chống dịch sản xuất “3 tại chỗ”, tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… để duy trì hoạt động” – ông Trương Tấn Lộc chia sẻ.

Điểm quan trọng đóng gạo thứ 2 mà Tân Cảng Sài Gòn đang cố gắng duy trì là Tân Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), hiện nay đang đóng khoảng 20-25 container/ngày, đáp ứng khoảng 50% sản lượng so với bình thường. Để hỗ trợ cho các cảng đang phải thu hẹp sản xuất vì dịch bệnh, Tân Cảng Cái Cui trước đây không đóng gạo nhưng gần đây cũng đã vào cuộc đóng gạo xuất khẩu cho các thương nhân.

“Chúng tôi cũng có cơ sở ở Đồng Tháp, ở Cần Thơ có Tân Cảng Thốt Nốt hiện nay cũng đang tạm ngừng hoạt động. Về Tân Cảng thì Cát Lái, Nhơn Trạch, các cảng ở ĐBSCL đang duy trì hoạt động mặc dù rất khó khăn nhưng vẫn cố duy trì phục vụ cho xuất khẩu gạo” – ông Trương Tấn Lộc chia sẻ.

Theo đại diện Công ty CP Hàng Hải Phú Mỹ, doanh nghiệp này phối hợp với Bến 125 Tân Cảng Cát Lái đóng rút hàng gạo vào container, nhưng đang gặp khó khăn không thể tập hợp công nhân để test COVID-19 tại một điểm tập trung vì công nhân không có giấy đi đường.

“Sắp tới, công ty chúng tôi có đơn hàng mua khoảng 27 nghìn tấn, dự kiến cuối tháng tàu vào nhưng công ty đang vướng mắc về vấn đề triển khai người lao động đi ra tàu” – đại diện Công ty CP Hàng Hải Phú Mỹ thông tin.

Quản lý bán hàng của Công ty Lương thực Bình Định tại TPHCM - bà Võ Thị Thu Hồng cũng chia sẻ, trong nhiều năm qua công ty đã thực hiện đóng gạo ở Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Cần Thơ, Tân Cảng Thốt Nốt, Tân Cảng Mỹ Thới... Cả nước cũng chống dịch, cả nước cùng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội, An Giang có sản lượng gạo lớn nhất nước nhưng việc xuất khẩu đang khó khăn bởi việc đóng container tại cảng hay kéo container về không thực hiện được.

Giải pháp trước mắt để giảm ùn ứ xuất khẩu gạo

Theo ông Trương Tấn Lộc, hiện nay dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM đang rất căng thẳng. Vì vậy, việc chuyển hàng lên đóng tại cảng ở TPHCM là cách làm cũ không còn phù hợp. Vì vậy, các cảng vụ làm việc với các tỉnh hỗ trợ cho doanh  nghiệp tăng cường đóng gạo ngay tại kho. Các tỉnh phải hỗ trợ doanh nghiệp như cách làm của Hà Tĩnh và Thanh Hóa hỗ trợ chi phí để các hãng tàu chuyển đóng về.

Đóng rút gạo để xuất khẩu. Ảnh: T.Lộc

"Đóng gạo không có container rỗng thì không đóng được, nếu kéo containe rỗng từ TPHCM xuống thì phát sinh chi phí, nên các tỉnh cần làm việc để các hãng tàu mới chuyển container rỗng về. Về giải pháp dài hạn, dài hơi thì phải đồng hành cùng doanh nghiệp để chuyển hướng dần, thay vì lên TPHCM đóng gạo thì tăng cường đóng ở khu vực miền Tây, các doanh nghiệp làm việc với các hãng tàu để mở cod, các hãng sẽ đưa container tiếp nhận ở những cảng như Tân Cảng Cái Cui" - ông Lộc gợi ý.

Còn bà Võ Thị Thu Hồng cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được đóng cọc tại sông để sàlan có thể neo đậu giúp cho việc bốc chuyển gạo vào container thuận tiện hơn.

Nêu dẫn chứng về việc vì năng lực đáp ứng chậm mà doanh nghiệp bị mất đơn hàng (tàu 40 nghìn tấn nhưng trong 1 tháng doanh nghiệp chỉ đóng được 8 nghìn tấn), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông - ông Nguyễn Việt Anh đề nghị: Để duy trì lực lượng lao động tại cảng, vấn đề  căn cơ nhất là tiêm chủng vaccine cho người lao động để thực hiện làm việc "3 tại chỗ" an toàn.

Bởi hiện nay, Bến 125 Tân Cảng chỉ đóng 20-30 container/ngày thì không giải quyết được vấn đề gì trong khi cả nước có tới 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 1 doanh nghiệp 1 tuần đóng mấy trăm container là bình thường mà bến chỉ đóng 20-30 container thì doanh nghiệp không biết xoay xở vào đâu.

"Kéo container về kho thì liên quan đến vấn đề chi phí, phải đưa lên bến cũng nghẽn nữa. Đó là những vấn đề rất thực tế hiện nay" - ông Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.

Trưởng phòng XNK của doanh nghiệp Đại Tài cũng cho biết, từ trước đến nay các doanh nghiệp gạo thường đóng hàng ở cảng tại TPHCM và đóng trên 100 container/ngày, ít nhất là 10 nghìn container/tháng. Khi Cảng Cát Lái bị ngừng hoạt động các doanh nghiệp chủ động về các cảng phía dưới miền Tây nhưng năng lực tại các cảng này thấp, lượng công nhân liên tục giảm sút. 

Doanh nghiệp Đại Tài cũng kiến nghị các cảng ở ĐBSCL có phương án tại chỗ và mở rộng khu vực xanh ở các tổ, ấp, xã để tăng lực lượng nhân công sạch COVID phục vụ xuất khẩu gạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn