MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu mua sắm ngày mùng 5 Tết của người dân chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, hoa quả, một số loại thực phẩm tươi sống, các mặt hàng phục vụ cúng lễ, hoa tươi. Ảnh: Cao Nguyên

Hết cảnh sau Tết, rau củ và quả đội giá "trên trời"

CAO NGUYÊN LDO | 16/02/2021 16:20
Mấy năm trước, thường trong và ngay sau Tết Nguyên đán, sức mua các loại hàng hóa, thực phẩm trên thị trường tăng mạnh, thì năm nay, trái ngược với dự báo, giá hàng hóa những ngày sau Tết nhìn chung ổn định. Thậm chí, có những mặt hàng giá giảm mạnh, sức mua kém.

Ghi nhận của PV vào ngày 16.2 (tức mùng 5 Tết) tại một số chợ ở Hà Nội đã có người bán, người mua. Tuy nhiên, số lượng người mua bán thưa thớt, các mặt hàng chủ yếu là rau, quả và hoa. Giá hàng hóa nhìn chung ổn định. Thậm chí, so với một vài năm trước có nhiều mặt hàng giá giảm mạnh, sức mua kém.

Bà Nguyễn Thị Thìn chia sẻ, lượng người mua năm nay kém hẳn so với các năm trước. Các loại mặt hàng rau, củ, quả giá bán không có gì đột biến. Ảnh: Cao Nguyên

Bà Nguyễn Thị Thìn - một người chuyên bán hàng rau ở chợ An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - chia sẻ: Sau Tết, giá bán các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ còn rẻ hơn cả thời điểm trước Tết.

Giá bán các loại rau xanh cụ thể như: Su hào có giá khoảng 4.000 đồng/củ, bắp cải 5.000-7.000 đồng/cây, cải cúc 5.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000-7.000 đồng/mớ, rau muống 7.000 đồng/mớ. Giá các loại nấm khoảng 100.000 đồng/kg. Măng tươi 30.000-35.000 đồng/kg...

Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản cũng tương đương hoặc cao hơn so với trước Tết khoảng 10%. Gà ta ngon từ 120.000kg/gà mái và 130.000 đồng/kg gà trống, thịt lợn 140.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò thăn giá 300.000 đồng/kg, các loại cá từ 80.000-90.000 đồng/kg.

Nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: Cao Nguyên

Theo chia sẻ của các tiểu thương, năm nay, thị trường thực phẩm tươi sống sau Tết nguyên đán giá bán ổn định, người dân đi mua ít hơn so với mọi năm. Ngày mùng 2 Tết thị trường tương đối sôi động sau đó từ mùng 4 trở đi sức mua giảm hơn.  

Chị Trần Thị Thảo (ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, thông thường sau Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, cá tăng hơn so với trước Tết, nhưng năm nay, các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bày bán đa dạng ngay từ sáng mùng 2 Tết, giá bán ổn định, rau xanh rẻ hơn trước Tết.

Đặc biệt, các loại rau, củ, quả giá cả chỉ bằng một nửa so với những năm trước đây. "Với tình hình thị trường như vậy, người tiêu dùng không phải ăn rau đắt như ăn thịt như các năm trước" - chị Thảo nói thêm.   

Trong khi đó, một số tiểu thương cho rằng, giá sẽ tiếp tục giảm đến Rằm tháng Giêng. 

Siêu thị, chợ hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh: Cao Nguyên

Theo Bộ Tài chính, ngày mùng 5 Tết, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống lớn đã mở bán hàng trở lại. Nhiều siêu thị đã mở cửa sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhìn chung, nguồn cung và giá cả các mặt hàng ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục không có biến động nhiều.

Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn