MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm. Ảnh: Công việt (VGP)

Hết thời DN sản xuất phân bón “múa tay trong bị”

Khánh Vũ LDO | 20/10/2017 17:00
Sáng 20.10, tọa đàm trực tuyến có chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” được tổ chức xoay quanh Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013 nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và các kẽ hở "con voi chui lọt" khiến thị trường phân bón phát triển ồ ạt và "đầy tai tiếng" trong thời gian qua.

Là một trong những khách mời quan trọng của buổi tọa đàm, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ NNPTNT chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón. Đến nay, riêng phân bón vô cơ mà Bộ NNPTNT tiếp nhận từ Bộ Công Thương là 13.423 sản phẩm. Trong đó, tính từ thời điểm 1.1.2017 đến nay là 7.840 sản phẩm, tăng gần gấp đôi.  

Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ (phân bón hữu cơ chiếm 53%). Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương tiếp tục gửi về, nên số lượng phân bón vẫn tiếp tục tăng. Với số lượng phân bón và nhà máy sản xuất như trên, thì lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn.

Cùng với khoảng 4 triệu tấn phân nhập khẩu, tổng sản lượng phân bón đã lên tới 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (chỉ cần từ 10 đến 11 triệu tấn/năm).

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, số lượng phân bón dư thừa quá lớn dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu tất cả các khâu trong sản xuất.

Những điểm mới ưu việt của Nghị định 108 là đã bổ sung, điều chỉnh một số quy định từ khâu kỹ thuật đến khâu lưu hành; bổ sung quy định đặt tên nhãn, mác, quảng cáo; thay đổi về phương thức quản lý; đổi mới công tác khảo nghiệm yêu cầu tất cả các loại phân bón khảo nghiệm phải được khảo nghiệm ở những tổ chức có đủ điều kiện…

Ngoài ra, các quy định về trang thiết bị; thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được quy định chỉ 5 năm thay vì không có thời hạn như trước đây; các quy định về điều kiện để buôn bán phân bón; quản lý chất lượng, 100% các lô phân bón nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra nhà nước… là những điểm mới quan trọng nhằm xiết chặt hơn lĩnh vực này.

Cùng với các vấn đề khác như: Thanh tra, kiểm tra; tập huấn cho nông dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng”, việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn sẽ là phương tiện quản lý hữu hiệu, chấm dứt thời kỳ dài các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón tung hoành “múa tay trong bị” phá hoại ngành trồng trọt, làm ô nhiễm môi trường và làm nghèo nông dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn