MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiến kế giải pháp thay thế "3 tại chỗ" giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất

Cường Ngô LDO | 16/08/2021 10:33
Sau một thời gian áp dụng, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" ở một số nơi đã bộc lộ bất cập như thiếu cơ sở hạ tầng, chi phí gia tăng, chưa có quy định, hướng dẫn chưa cụ thể và có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể tiếp tục phương án này nếu kéo dài. Từ đó, nhiều hiến kế đã được đưa ra và đề nghị xem xét cho thực hiện.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm TPHCM cho biết, các doanh nghiệp ngành lương thực ở TPHCM đã trải qua 30 ngày sản xuất "3 tại chỗ", cần phải có kịch bản đối phó nếu dịch tiếp diễn 2-3 tháng nữa.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ" như chi phí phát sinh cao, phải bán huề vốn hoặc bán lỗ nhưng vẫn phải giữ giá để ổn định thị trường; nguyên liệu không đủ sản xuất song vẫn phải trả lãi ngân hàng.

Để tránh nguy cơ chuỗi sản xuất đứt gãy, bà Chi cho rằng điều kiện tiên quyết là "phủ" vaccine cho người lao động. Đồng thời để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và chủ động phòng chống theo hướng dẫn của Nhà nước.

Ở một số địa phương, “3 tại chỗ” không còn phù hợp với tình hình mới. Ảnh: K.Q

Chia sẻ với Lao Động, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam, trong đó có những tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn - đã khiến 90% các nhà máy sản xuất da giày tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế "3 tại chỗ".

"Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động", bà Xuân cho hay.

Theo bà Xuân, ngành da giày sử dụng nhiều lao động trong nhà máy, vì thế khâu tổ chức thực hiện lại cần phải chặt chẽ và không thể thực hiện theo kiểu ào ạt, máy móc. Điều này, vô tình tạo nên nhưng ổ lây nhiễm như thời gian vừa qua.

Trên thực tế, trong ngành vẫn có một phần nhỏ doanh nghiệp (với số lượng công nhân rất ít) tổ chức khá thành công và duy trì sản xuất mà không có lây nhiễm nội bộ. Tuy nhiên, do đặc thù sử dụng nhiều lao động nên phần lớn các nhà máy đã phải đóng cửa từ ngày 13.7 cho đến nay.

"Gần như toàn bộ các nhà máy cung ứng cho các khách hàng lớn đã phải đóng cửa. Tính riêng lao động trực tiếp tại các nhà máy của ngành đã có gần một triệu lao động bị ngừng việc và có nguy cơ mất việc, chưa kể các lao động khác gián tiếp tham gia chuỗi cung ứng (nguyên vật liệu, thương mại, logistics) cũng bị ảnh hưởng.

Hiến kế giải pháp thay thế "3 tại chỗ"

Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng nhấn mạnh phương án hiệp hội của mình đề nghị thay mô hình "sản xuất 3 tại chỗ" với nhiều giai đoạn áp dụng.

Giai đoạn 1: Doanh nghiệp áp dụng không quá 30% công suất bình thường trong hai tuần đầu. Trong quá trình triển khai, nếu có lây nhiễm thì tạm dừng để cách ly, khoanh vùng ở khu vực chuyền/tổ/ca đó, không cần phải đóng cửa toàn bộ nhà máy. Điều này cũng phù hợp với sự thay đổi trong chiến lược y tế của Chính phủ từ phòng ngừa sang điều trị và phòng ngừa.

Giai đoạn 2: Rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và đưa thêm người lao động trở lại làm việc nhưng không quá 50% công suất bình thường.

Giai đoạn 3: Chỉ thực hiện sau khi đánh giá rút kinh nghiệm giai đoạn 2, từ đó nâng tiếp số lao động lên nhưng không quá 70% công suất bình thường, cho đến khi địa phương cho phép trở lại bình thường.

Theo bà Xuân, hiện doanh nghiệp đang chờ sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng trước đề xuất nêu trên của Lefaso để kịp bắt tay vào thực hiện từ trung tuần tháng 8 này. Tuy nhiên, giải pháp chỉ được thực hiện với hiệu quả cao khi các doanh nghiệp tham gia đều được tiêm vaccine ít nhất một mũi.

"Thực hiện phương châm "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn.

Do đó, đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vaccine, để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất.

Còn các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm", bà Xuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn