MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngày 11.7. Ảnh: X.H

Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa mong cơ quan chức năng đừng... đánh võng

Xuân Hùng LDO | 11/07/2023 19:10

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa chiều 11.7, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh này đã chỉ thẳng nhiều điểm nghẽn đối với doanh nghiệp và mong các cơ quan chức năng đừng "đánh võng" khi xử lý công việc.

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Cao Tiến Đoan cho rằng, chưa có khi nào, cộng đồng doanh nghiệp lại phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Vậy những bất cập, khó khăn của doanh nghiệp đến từ đâu?

Theo ông Đoan, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nay đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi, thì ngay lập tức phải đóng cửa, do vướng những quy định mới phát sinh về PCCC có nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục được công tác PCCC để trở lại sản xuất kinh doanh bình thường, thì tiếp tục gặp các sự cố mất điện đột ngột và liên tục...

Tiếp đó, do tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, không ổn định; Đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu; Tín dụng bị thắt chắt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, như: Gói hỗ trợ 2% hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi... Nhưng thực tế, số DN được thụ hưởng và tiếp cận là rất ít, vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà DN không đáp ứng được. Bên cạnh đó việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

Thứ hai, về cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian qua, xuất hiện tình trạng: Một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Đây được coi là “cơn bão ngầm trong hành chính”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên một nghịch lý, khác với trước đây, các sở ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao công việc càng tốt), khiến điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước… làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp; khiến doanh nghiệp mất hết cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đáng chú ý: Qua khảo sát, đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa đứng đầu khu vực Miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước. Tuy nhiên, theo công bố của VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cấp chính quyền Thanh Hóa lại đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh sự xung đột: khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính của cán bộ, công chức.

Những “cơn sóng khó khăn” dồn dập như vậy đã khiến một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc. Thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”, không hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, ông Cao Tiến Đoan đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những “điểm nghẽn” và có những giải pháp mang tính đột phá, ban hành những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện như hiện nay.

Ông Đoan nói thẳng: "Cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền; sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, đóng góp trí tuệ, sức lực cho công việc; từ đó khích lệ các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến hết mình, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ có hành vi né tránh công việc, nhũng nhiễu, hay ... đánh võng, đùn đẩy công việc cho người khác, đơn vị khác vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc. Có như vậy mới thay đổi sự thân thiện của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp; làm cơ sở để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa trong Top 10 cả nước thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu của một số cán bộ giải quyết thủ tục đất đai và đề nghị các sở, ngành cần tăng cường hơn nữa việc thực thi công vụ cho tận tâm tận lực, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân một cách tốt nhất đúng với chức trách, nhiệm vụ của mình.

Sau khi nghe giải trình của ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở TNMT về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, ông Đoan cho hay hiện nay có tình trạng: Khi giải quyết cùng một việc, nhưng tỉnh lại giao cho quá nhiều sở, ngành chủ trì tham mưu. Việc rà soát kỹ là cần thiết, nhưng cần hạn chế vòng vo, chồng chéo, kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành thủ tục dự án.

Vì vậy, ông Đoan vừa đề nghị, vừa "hiến kế" với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là khi giải quyết một vụ việc chỉ nên giao cho một đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành để tổng hợp ý kiến tham mưu, nhằm nêu cao trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của sở ngành đó; góp phần rút ngắn thời gian xử lý công việc mà không bị lặp đi lặp lại; cần tránh tối đa tình trạng... đánh võng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn