MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vốn đầu tư công giữ vai trò chủ lực trong phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu xã hội. Ảnh: M.T

Hiệu quả đầu tư công: Động lực dẫn dắt tăng trưởng xuyên suốt 35 năm Đổi mới

Văn Nguyễn LDO | 20/01/2021 10:13

Trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công hiện vẫn chiếm tỉ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam xuyên suốt 35 năm Đổi mới. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, cơ cấu đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền cũng như tập trung nhiều hơn cho đầu tư phát triển con người, nâng cao trình độ của người lao động.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), quy mô vốn đầu tư toàn xã hội không chỉ tăng nhanh mà cơ cấu đầu tư công cũng có sự dịch chuyển theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt trong năm cuối của giai đoạn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng vốn đầu tư công ghi nhận mức tăng cao kỷ lục trong suốt 1 thập kỷ qua nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

Dữ liệu được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, chỉ tính hết tháng 11.2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng ước đạt 54,5 nghìn tỉ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư công đạt 406,8 nghìn tỉ đồng, tăng tới 34% so với cùng kỳ năm. Nhờ kết quả này, tốc độ tăng vốn đầu tư công trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 thúc đẩy phát triển kinh tế và nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Chỉ tính từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo và tỉ lệ nghèo nhờ đó giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). Trong hai năm 2018-2019, kinh tế Việt Nam cho thấy có nền tảng mạnh và khả năng chống chịu cao, GDP thực đạt mức tăng cao 7% và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đáng chú ý trong năm 2020, bất chấp các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,91%.

Đầu tư công tập trung và trọng điểm hơn

Trong những năm gần đây, cơ cấu đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm dần theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường và bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh cũng như khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng. Kết luận số 10 ngày 18.10.2011 của Hội nghị lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) cũng khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công là một trong ba trọng tâm tái cơ cấu của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020.

Các số liệu của PGS-TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng và ThS Nguyễn Văn Tùng - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho thấy, tỉ trọng vốn đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội trong 10 năm qua giảm từ 39,04% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 31-34% giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng lại liên tục được cải thiện, hệ số sử dụng vốn ICOR giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 6,11, cao hơn so với mức gần 6,29 của giai đoạn 2011-2015.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Quốc Phương - trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư công tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy sự phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Đáng chú ý cũng giai đoạn này cũng hình thành được khung khổ pháp luật tương đối đồng bộ để quản lý đầu tư công; nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý triệt để, việc ứng trước kế hoạch vốn hằng năm được kiểm soát, quản lý chặt chẽ và hiệu quả đầu tư công từng bước cải thiện, đầu tư tập trung.

Còn PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân - cho hay, trong giai đoạn 2010-2019, ngân sách nhà nước ngày càng tập trung nhiều hơn cho các dự án đầu tư phát triển con người, nâng cao trình độ của người lao động. Cụ thể, trong tổng mức đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm một tỉ lệ khá lớn và bình quân chiếm trên 90% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công, cần khắc phục ngay những hạn chế trong hoạt động đầu tư công hiện nay như đầu tư dàn trải, vốn đầu tư công vẫn tập trung vào các ngành mà khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng tham gia.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận cần tiếp tục đổi mới triệt để cách thức quản lý đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải và nâng cao một bước hiệu quả đầu tư. Việc huy động vốn ngoại là cần thiết, thu hút vốn đầu tư tư nhân là động lực thúc đẩy phát triển nhưng phát huy vốn trong nước mới là quyết định, đảm bảo sứ mệnh chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế đi đúng hướng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời cần tập trung nguồn lực đầu tư công vào mục tiêu thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng, liên vùng và có tính lan tỏa và tại các vùng kinh tế trọng điểm làm căn bản trước khi có thể thu hút vốn từ khu vực tư nhân trong nước và vốn FDI. N.VĂN

Trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn đầu tư công tại Việt Nam đến nay vẫn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu xã hội. World Bank tại Việt Nam nhận định, trong vòng 30 năm qua, việc cung cấp các dịch vụ cơ bản có nhiều thay đổi tích cực. Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2016, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỉ lệ 14% năm 1993. Tỉ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 70% năm 2016, trong khi tỉ lệ ở thành thị là trên 95%. N.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn