MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiệu quả trồng lúa ở ĐBSCL sẽ thế nào nếu giá phân bón không giảm?

Lục Tùng LDO | 24/10/2021 13:10

Ngay trong tình huống giá phân bón không tiếp tục tăng thì hiệu quả trồng lúa ở vùng ĐBSCL cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu giá phân bón không giảm, tức đứng với mức như hiện nay, thì hiệu quả trồng lúa ở vùng ĐBSCL trong vụ Đông xuân 2021-2022 sẽ chứa nhiều nguy cơ thua lỗ.  

Nếu trong trường hợp tốt nhất, các chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, giống, công lao động, thu hoạch và chi phí quản lý không thay đổi và cũng rất khó xảy ra vì nhiên liệu đang tăng, thì với giá phân bón như hiện nay, giá thành mỗi kg lúa đã vượt 4.000 đồng.

Người trồng lúa vùng ĐBSCL rất lo ngại khi giá phân bón tăng cao như hiện nay. Ảnh: LT

Cụ thể, theo tính toán của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, chi phí vụ Đông xuân 2020-2021 là 26,153 triệu đồng/ha. Trong đó phân bón chiếm tỉ lệ 19% (5,071 triệu đồng/ha). Tương tự, thuốc bảo vệ thực vật 13% (3,245 triệu đồng/ha); giống 8% (2,050 triệu đồng/ha); công lao động 13% (3,967 triệu đồng/ha); thu hoạch chiếm 7% (1,8 triệu đồng/ha); năng suất 7,3 tấn/ha thì giá thành sản xuất là 3.383 đồng/kg lúa.

Việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, càng cho thấy nông dân đang vướng quá nhiều bất lợi. Ảnh: LT

Đối chiếu với vật giá hiện nay, chi phí phân bón đã tăng lên 30% chi phí sản xuất (8,961 triệu đồng/ha), đẩy tổng chi phí sản xuất lúa lên 30,043 triệu đồng/ha. Theo đó, giá thành 1kg lúa 4.116 đồng/kg. 

Với giá thành này, xem như lợi nhuận của hàng triệu người trồng lúa vùng ĐBSCL rất thấp, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Nếu điều này xảy ra, sẽ là hiện tượng chưa từng có trong tiền lệ, vì lâu nay Đông xuân được xem là vụ lúa lợi nhuận kép “trúng mùa, được giá” nhất trong năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn