MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộ kinh doanh sợ "lên" doanh nghiệp vì "ngại" thủ tục hành chính quá phức tạp. Nguồn ảnh: PV

Hộ kinh doanh “tố” thủ tục hành chính rườm rà gây khó phát triển

T.T LDO | 05/07/2017 14:42
Mặc dù rất muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng nhiều hộ kinh doanh cá thể còn không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ cơ chế, chính sách như: Thủ tục hành chính rườm rà, phải tốn nhiều chi phí ngầm, hay bị thanh tra, kiểm tra…
Bị đè nén bởi gánh nặng pháp lý
Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mặc dù nhận thức được rằng, khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp (DN), các hộ kinh doanh sẽ có thêm điều kiện tiếp cận vốn hay các tận dụng được nguồn lực khác dễ dàng hơn… , song câu chuyện chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ cơ chế, chính sách.
Là người từng chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN, ông Đỗ Hùng Chiêu–Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Thường Tín (Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi, DN của ông gặp khá nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nghề, lĩnh vực sơn mài. “Sơn mài là mặt hàng liên quan đến xuất khẩu, chỉ khi chuyển đổi thành doanh nghiệp mới đủ tư cách pháp nhân để tiến hành làm các thủ tục”, ông Chiêu nêu rõ. Nhưng ông Chiêu cũng chia sẻ thêm ngoài những thuận lợi vẫn tồn tại những khó khăn trong quá trình chuyển lên DN. Quá trình ấy còn khó khăn hơn khi ngành thuế đang tận thu. “Cứ thấy chỗ nào có xuất hiện kinh doanh là nhân viên thuế đến. Đó là chưa kể cán bộ thuế ở một số nơi có vấn đề. Ví dụ, tôi làm hợp đồng làm ăn với người Nhật thì cán bộ thắc mắc: Anh làm sao lại biết người nước ngoài, làm sao biết được những người này qua mối quan hệ cá nhân?” - ông Chiêu kể.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh tranh thêu Xuân Nguyên (Thường Tín) cho biết, “Hộ kinh doanh không dám phát triển lên là sợ thủ tục hành chính. Hộ kinh doanh tồn tại vì một người làm được nhiều việc nếu muốn phát triển như DN phải chuẩn hoá gồm nhiều hệ thống như kế toán, hành chính, thị trường... thì chúng tôi lo sẽ vỡ nợ trước khi thành công. Bản chất hộ kinh doanh không có chuyên môn về thuế, thị trường, lên DN rồi suốt ngày lo lắng sai về thủ tục thuế má, kiểm tra thủ tục hành chính... thì doanh nghiệp chỉ tập trung "đối phó" chứ không có thời gian để phát triển thị trường, kinh doanh, như vậy mất đi mục tiêu lớn là kinh doanh để sinh lời”, ông Nguyên cho biết
Phải có phương hướng tiếp cận mới
Dưới góc độ của một người làm chính sách, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, một trong những nguyên do chính khiến hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp đó là họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính do còn rườm rà, chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... phức tạp. “Đi thăm nhiều nước chưa thấy nước nào có hệ thống hóa đơn phức tạp như Việt Nam. Viết sai chữ cũng bị phạt, tiếp khách không được ghi vào hóa đơn phải ghi dịch vụ ăn uống... Gần đây quy định đã được dỡ bỏ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, có thể nói quá trình tư duy làm quá trình chuyển đổi bị chậm”, bà Hằng cho hay.
Cùng góc nhìn, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhìn nhận, hộ kinh doanh sợ lớn lên, sợ thành DN một phần là do gánh nặng pháp lý quá lớn. “Họ sợ tuân thủ một gánh nặng pháp lý cao hơn về thủ tục kiểm toán, báo cáo kế toán, thủ tục tài chính về thuế, chế độ cho lao động... Hộ kinh doanh cũng lo lắng khi lên DN sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, thực hiện nghĩa vụ với người lao động nhiều hơn".
Đồng cảm với các hộ kinh doanh, giới chuyên gia cho rằng, dù là một chủ trương đúng đắn, phương hướng tiếp cận mới đảm bảo mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nhưng để khuyến khích hộ cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp thì trọng tâm vẫn là dùng đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh. Cùng với đó, việc cần làm ngay lập tức, không chần chừ là sửa đổi quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp với DNNVV.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn