MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch và tiêu thụ lúa gặp nhiều khó khăn do COVID-19. Ảnh minh họa: Nguyễn Anh Tuấn

Hỗ trợ ĐBSCL thu hoạch, tiêu thụ 2,4 triệu tấn lúa trong dịch COVID-19

Vũ Long LDO | 03/09/2021 13:57

Chính phủ yêu cầu hỗ trợ ĐBSCL thu hoạch, tiêu thụ gần 2,4 triệu tấn lúa hè thu và thu đông trong điều kiện dịch COVID-19 căng thẳng.

Cần thu hoạch 2,4 triệu tấn thóc trong điều kiện khó khăn

Trong tháng 9.2021, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nỗ lực đẩy mạnh thu hoạch, tiêu thụ gần 2,4 triệu tấn lúa, dù đang thiếu hụt nhân lực và phương tiện.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) cho biết: Các tỉnh ĐBSCL ước tính còn khoảng 400.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch với sản lượng khoảng 2,3 triệu tấn thóc. Bên cạnh đó, còn khoảng 20-30 nghìn hecta lúa vụ thu đông cho sản lượng khoảng 100-150.000 tấn thóc.

“Trong tháng 9.2021, nông dân các tỉnh ĐBSCL thu hoạch khoảng gần 2,4 triệu tấn thóc trong điều kiện khó khăn do 19 tỉnh ĐSBCSL và Đông Nam Bộ đang phải thực hiện giãn cách xã hội, thiếu thốn nhân lực và phương tiện sản xuất” – ông Nguyễn Như Cường nói.

Thực tế hiện nay, tiến độ thu hoạch lúa đang bị chậm lại so với thời gian trước, thương lái không về đồng thu mua lúa, phương tiện gặt hái cũng thiếu thốn.

Bên cạnh đó, gần 70% số nhà máy chế biến thóc gạo tại ĐBSCL đã phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do có các ca F0 hoặc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Một số thực hiện sản xuất “3 tại chỗ -3T” nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu, việc thực hiện “1 cung đường 2 địa điểm” cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông - cho biết: Mặc dù doanh nghiệp của ông đang thực hiện 3T khá hiệu quả, nhưng thời gian kéo dài cũng đã khiến công nhân chán nản vì sợ bị lây bệnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện “1 cung đường 2 địa điểm” cũng rất khó kiểm soát nguồn lây nhiễm.

“Đối với doanh nghiệp thực hiện 3T thì nhân lực cũng chỉ 30-50% sản lượng của nhà máy, vì giữ lại lượng người đông, công nhân cũng không đồng ý. Còn sử dụng lao động khác địa bàn thì địa phương không cho vào vì đã khoanh “vùng xanh”, “vùng đỏ””- ông Nguyễn Việt Anh nói. 

Đại diện các tỉnh ĐBSCL cũng cho biết, trong khi nhân lực thiếu thốn, các địa phương cũng thiếu phương tiện thu hoạch là máy gặt đập, phải có văn bản kêu gọi sự hỗ trợ của các địa phương khác.

Hỗ trợ các tỉnh đẩy mạnh thu hoạch, tiêu thụ lúa gạo

Trước tình hình thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo có nhiều khó khăn trong dịch bệnh COVID-19, ngày 1.9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), NNPTNT, Y tế, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu các giải pháp của Bộ Công Thương đề xuất tại công văn số 4922 ngày 14.8 để xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị, với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông, bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ. Do đó, việc tạo “luồng xanh” đường thủy sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc vận chuyển thóc về các nhà máy chế biến và duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân được đi lại thu mua lúa trực tiếp tại đồng.

Theo đó, có thể xem xét, áp dụng linh hoạt 2 phương án: Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp, xã… và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống, lên ghe. Xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã, huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.

Phương án hai: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe, sàlan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn