MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lục Tùng

Hỗ trợ để doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra hoạt động trở lại

Vũ Long LDO | 28/09/2021 19:00

Các nhà máy chế biến cá tra sẵn sàng hoạt động trở lại để "giải cứu" lượng nguyên liệu đang tồn đọng, nhưng cần được hỗ trợ để sản xuất an toàn. 

Sản xuất cá tra đang khó trăm đường

Chia sẻ với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Thùy (huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, gia đình bà thuê 5 công đất để đào ao thả cá tra, những năm đầu cho lợi nhuận tốt, nhưng từ 2 năm nay thu nhập rất bấp bênh. Đặc biệt, từ đợt dịch COVID-19 cuối tháng 4 đến nay, hầu như số cá trong ao không bán ra được, thi nhau vượt trọng lượng.

“Cá vượt trọng lượng thì không thể giao cho nhà máy chế biến vì không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng bán tại chợ cũng không xong vì người tiêu dùng Việt Nam không ưa cá này, trong khi đó ngày ngày vẫn phải cho ăn. Gia đình tôi đang tìm cách chế biến để bán được đồng này hay đồng đó” - bà Thủy nói.

Nói về khó khăn của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra hiện nay, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) - nhấn mạnh: Không chỉ sụt giảm mạnh trong tháng 8.2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 9 cũng giảm mạnh. Các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang hết sức khó khăn, trong đó nguyên liệu đầu vào là vấn đề nan giải bởi hiện nay cá quá size, cá thịt vàng đã tác động đến các đơn hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cũng lo lắng chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long còn tồn 20.000 tấn cá tra thương phẩm, trong khi cả tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, nhân lực thiếu nên không đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ. Hơn nữa, việc lưu thông cá tra sang tỉnh khác đang gặp nhiều khó khăn, nên nguy cơ cá bị tồn tại ao, tăng size không đạt yêu cầu xuất khẩu là rất lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp - địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước, tính đến giữa tháng 8.2021, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt hơn 1.600ha, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500-21.500 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ 900-1.400 đồng/kg.

Sản xuất cá tra cần khởi động sớm trở lại

Các thương nhân ngành cá tra cho biết, sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là giải pháp đúng đắn, do đó cần có biện pháp thích ứng để vừa sản xuất hiệu quả vừa chống dịch thành công là rất khó khăn, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của ngành y tế.

Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) - cho hay, từ giữa tháng 7.2021 đến nay, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. 

Do đó, bà Tô Thị Tường Lan đề xuất Bộ Y tế cần có bộ quy tắc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để làm "kim chỉ nam" trong thực hiện phục hồi sản xuất. Bộ quy tắc này cần có những quy định thống nhất về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại doanh nghiệp, ứng phó với sự cố khi có ca F0 hay công nhân đã tiêm vaccine mũi 1 hay mũi 2 thì sẽ ra sao...

"Do chưa có bộ quy tắc thống nhất, mỗi địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chống dịch khác nhau, thiếu sự phối hợp đồng bộ đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển nguyên liệu, thu hoạch và vận chuyển cá tra giống, cá tra nguyên liệu.

Số lượng các doanh nghiệp bắt cá nguyên liệu mới rất hạn chế, chủ yếu từ ao nuôi tại địa phương chứ không đến được địa phương khác để bắt cá chế biến. Đại đa số nhà máy đều thay bao bì, đóng gói bằng các sản phẩm có ở trong kho để đáp ứng các đơn hàng đã ký" - bà Lan phản ánh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn mới để đảm bảo sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” với phiên bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn, hiệu quả.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn