MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc giảm thuế GTGT sẽ giảm chi phí cho người tiêu dùng, qua đó kích cầu cho các ngành sản xuất kinh doanh trong và ngay sau dịch. Ảnh: N.V

Hỗ trợ DN để kích cầu tiêu dùng nội địa: Nên tính toán giảm thuế giá trị gia tăng

văn nguyễn LDO | 04/09/2020 08:42
Chính sách hỗ trợ thông qua giải pháp giảm thuế giá trị giá tăng (GTGT) sẽ giải quyết khó khăn trực tiếp về nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp và giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, qua đó kích cầu cho các ngành sản xuất trong và ngay sau dịch COVID-19.

Giảm chi phí để kích thích tiêu dùng

Dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 8.2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8.2020 có mức giảm tới 2,7% so với tháng trước, dù vẫn đạt mức tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước có mức giảm 0,02%. Đáng chú ý, ngoài doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức giảm thấp 0,2%, hàng loạt các nhóm ngành còn lại đều có mức sụt giảm rất lớn như doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 14,7% hay doanh thu du lịch lữ hành thậm chí giảm tới 61,8%. Chưa kể xét theo ngành hoạt động, ngoài lương thực - thực phẩm và đồ dùng gia đình có doanh thu bán lẻ tăng, nhiều nhóm ngành còn lại như may mặc, phương tiện đi lại hay vật phẩm văn hoá - giáo dục có mức sụt giảm doanh thu rất lớn 0,6 - 4,5%.

Với diễn biến trên đây, nhiều ý kiến cho rằng khi xem xét các giải pháp tài khóa nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như kích cầu tiêu dùng nội địa gia tăng trở lại, cần tính toán đến giải pháp miễn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Thực tế ngay từ thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, nhiều cơ quan cũng từng đề xuất giải pháp giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Cụ thể khi góp ý cho dự thảo của Bộ KHĐT, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho rằng doanh nghiệp hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất, kinh doanh. Việc phải đóng 10% thuế GTGT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn trả trong trường hợp được giãn, hoãn vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Chính vì vậy Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng như nhiều hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề kiến nghị giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng, qua đó kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Giảm nguy cơ ẩn lậu thuế

Liên quan đến đề xuất giảm thuế GTGT, theo đánh giá của chuyên gia tư vấn thuế - ThS Nguyễn Đức Nghĩa, thuế GTGT là thuế gián thu đánh trên hàng hóa tiêu dùng trong xã hội với đối tượng của thuế gián thu là tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ nên phạm vi tác động rất lớn. Do đó khi giảm thuế GTGT, hầu hết các đối tượng xã hội đều có lợi, từ doanh nghiệp bán được hàng do giảm giá bán, còn người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thanh toán thấp hơn trước. Hơn nữa, khác với thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khi có phát sinh lợi nhuận, thuế GTGT phát sinh ngay khi có tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nên thuế GTGT là nghĩa vụ bắt buộc với tất cả các đơn vị cung cấp, bán hàng. Việc giảm thuế GTGT sẽ tác động không chỉ với doanh nghiệp có lãi mà tới cả các doanh nghiệp bị lỗ. Điều đó đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách hỗ trợ là tới tất cả mọi đối tượng trong xã hội.

Theo phân tích của ThS Nguyễn Đức Nghĩa, xét về nghiệp vụ, thuế GTGT chỉ phát sinh khi doanh nghiệp có phát hành hóa đơn hợp pháp nên việc thực hiện hỗ trợ thuế GTGT sẽ đề cao tính tự giác, trung thực của người nộp thuế. Điểm đáng chú ý là việc hỗ trợ thuế GTGT sẽ hoàn toàn thực chất khi chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu về hóa đơn và kê khai thuế theo quy định và do đó làm giảm nguy cơ ẩn lậu thuế và lạm dụng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp làm ăn không chân chính.

Với các đặc điểm nói trên, ThS Nguyễn Đức Nghĩa kiến nghị Chính phủ nên xem xét đưa ra gói hỗ trợ thứ hai với nội dung giảm thuế GTGT phải nộp trong kỳ của các doanh nghiệp. Song do việc áp dụng giảm thuế GTGT một cách đại trà sẽ tiềm ẩn khả năng gây thất thoát ngân sách thông qua các hình thức nhập lậu hay gian dối trong kê khai thuế nên ông Nghĩa cho rằng vai trò của công tác kiểm tra là rất lớn, nhằm đảm bảo chính sách thuế thực hiện được minh bạch, công bằng, tác động trúng đối tượng khó khăn, cần được hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn